Thảm đỏ Liên hoan phim Cannes dành cho ai?
Cũng như mọi năm, thảm đỏ Liên hoan phim Cannes chứng kiến không ít trò lố. Từ những bộ trang phục kỳ quặc, cho đến giả vờ ngã hay cố tình nán lại thảm đỏ để tạo dáng, bị đuổi cũng không đi.
Giới giải trí Hoa ngữ có câu: Nếu thảm đó chỉ có 1 Phạm Băng Băng thật thì phải có tới 100 Phạm Băng Băng giả muốn được hưởng cảm giác của một minh tinh, và thảm đỏ Liên hoan phim Cannes là cơ hội vàng để biến ước mơ đó thành sự thật.
Hoa hậu quý bà Trung Quốc giả vờ ngã gây phản cảm trên thảm đỏ năm nay.
Những người được nhận thư mời tới Liên hoan phim Cannes bao gồm ba loại: ban giám khảo hoặc người có tác phẩm tham gia tranh giải; đại diện thương hiệu tài trợ tại Liên hoan phim Cannes; và cuối cùng là khách mời của đoàn làm phim.
Nếu so với lễ trao giải Oscar - sự kiện chỉ dành riêng cho các ngôi sao điện ảnh lớn thì thảm đỏ Cannes lại mở rộng cửa với nhiều người hơn, miễn là chịu chi.
Vì thế, những người đẹp vô danh nếu muốn tận hưởng cảm giác được sánh vai cùng ngôi sao tầm cỡ thế giới mà lại không thuộc một trong ba đối tượng kể trên thì chỉ có cách chi số tiền kếch xù để mua một tấm vé mời từ bên trung gian.
Vé mời xem phim tại Liên hoan phim Cannes năm 2017.
Những tấm vé có thể dùng tiền mua được này từ đâu mà có?
Đầu tiên, cần hiểu rõ vé tới dự Liên hoan phim Cannes vốn chỉ tặng chứ không bán. Ban tổ chức liên hoan phim hàng năm đều có một số lượng vé nhất định tặng cho giới chính trị gia, doanh nhân, ông lớn trong ngành điện ảnh hay các thương hiệu đối tác,... nhưng đều chỉ tặng mà không thể mua bằng tiền.
Hầu hết những tấm vé này đều có sẵn tên người tham dự và chỉ có số ít ỏi là không đề tên. Do lượng người đến Liên hoan phim Cannes mỗi năm rất đông nên đội ngũ soát vé cũng không thể kiểm tra kĩ từng người.
Chuyện mạo danh hay dùng vé của người khác là hoàn toàn có thể. Kẽ hở này càng tạo điều kiện cho những kẻ muốn dùng tiền mua danh chen chân trên thảm đỏ danh giá.
Cổng an ninh tại Liên hoan phim Cannes.
Để đi thảm đỏ Liên hoan phim Cannes tốn bao nhiêu?
Năm 2015, người mẫu Trương Hinh Dư diện váy hoa cồng kềnh xuất hiện trên thảm đỏ Liên hoan phim và bị dân mạng bóc mẽ tốn tới 270.000 nhân dân tệ (tương đương gần 100 triệu đồng) để có được tấm vé đến Cannes.
Trương Hinh Dư tại Liên hoan phim Cannes năm 2015.
Đến cả các công ty du lịch cũng nắm bắt cơ hội này để tung ra gói dịch vụ cao cấp. Năm ngoái, một bảng giá của công ty du lịch tại châu Âu bị rò rỉ cho thấy người có nhu cầu phải chi khoảng 10.000 đến 24.000 euro (tương đương 200 triệu đến 600 triệu) nếu muốn có mặt tại thảm đỏ nổi tiếng.
Vì vậy, các người đẹp vô danh đến từ Trung Quốc hay các nước khác chỉ cần chịu chi là được xuất hiện trên thảm đỏ.
Người mẫu Trung Quốc mới bị lật tẩy giả mạo người đại diện nhãn hàng để dự Liên hoan phim Cannes năm nay.
Họ thường tận dụng cơ hội hiếm hoi này để diện những bộ cánh ấn tượng nhất, đôi khi kỳ quặc quá mức và trở thành đối tượng để báo chí khai thác. Công cuộc mua danh bằng tiền như vậy là đã thành công.
Những bộ cánh sẽ thay chủ nhân gây chú ý trên thảm đỏ.
Tuy nhiên, các khán giả chỉ xem ảnh chụp long lanh trên thảm đỏ có thể không rõ nhưng những người có mặt trực tiếp tại Liên hoan phim Cannes chỉ cần nhìn qua là phân biệt được đâu là khách mời còn đâu là người mua danh.
Trong tay các phóng viên ảnh thảm đỏ đều có sẵn danh sách khách mời mỗi ngày của ban tổ chức, họ sẽ dựa theo danh sách đó và độ nổi tiếng thực tế của nhân vật để tác nghiệp hợp lý.
Chính vì thế nên chỉ cần dựa vào việc có được nhiều tay săn ảnh chú ý hay không là thấy rõ đẳng cấp của người đang bước trên thảm đỏ.
Hơn nữa, những nhân vật quan trọng nhất là thành viên đoàn phim dự giải sẽ có xe đưa đón hộ tống riêng, lối vào riêng cùng các đãi ngộ đặc biệt, khó lòng nhầm lẫn được.
Độ dài ngắn được lưu lại để chụp ảnh trên thảm đỏ của sao thường sẽ tỉ lệ thuận với danh tiếng của họ.
Một người ngôi sao điện ảnh được chú ý thường mất khoảng 2 phút để tạo dáng cho các phóng viên ghi hình rồi tiếp tục di chuyển vào bên trong xem phim. Với các gương mặt "nữ hoàng thảm đỏ" như Phạm Băng Băng thì thời gian chụp ảnh sẽ lâu hơn một chút, khoảng ba phút.
Phạm Băng Băng là gương mặt quen thuộc tại Liên hoan phim Cannes, có năm làm giám khảo có năm là đại diện nhãn hàng.
Còn những người đẹp vô danh muốn dùng vài trăm triệu để thử làm người nổi tiếng nếu ở lại quá lâu trước ống kính sẽ bị phóng viên và cả bảo vệ sự kiện xua đuổi nhằm tránh gây ùn tắc trên thảm đỏ.
Ngay cả đến những ngôi sao có chút tên tuổi như Hoàng Tử Thao, tuy được hâm mộ tại châu Á nhưng lại chẳng ai biết đến trên thảm đỏ quốc tế, khi xuất hiện tại Liên hoan phim Cannes cũng bị xua đuổi không thương tiếc.
Bẽ mặt nhất có lẽ là trường hợp của nữ diễn viên Mã Tô. Mỹ nhân Hoa ngữ này bất chấp sĩ diện quyết tâm bám trụ thảm đỏ tới 6 phút, gấp đôi thời gian của Phạm Băng Băng, dù có bị nhân viên bảo vệ đuổi cũng không đi.
Mã Tô bất chấp thể diện bám trụ lại thảm đỏ.
Nữ diễn viên Củng Lợi, một trong số ít ỏi nữ diễn viên Hoa ngữ được ưu ái trên thảm đỏ Cannes có lần từng chia sẻ về việc nhiều người đến liên hoan phim chỉ để tạo danh tiếng: "Với tôi, nếu tôi có 10 bộ phim tham gia tranh giải thì chắc chắn tôi sẽ xuất hiện 10 lần trên thảm đỏ vì tôi muốn quảng bá cho bộ phim của mình, giới thiệu với mọi người phim do tôi đóng.
Nhưng nếu như tôi chẳng có bộ phim nào dự giải mà đi thảm đỏ nhiều như vậy chắc mọi người nghĩ đầu óc tôi có vấn đề mất".
Củng Lợi khẳng định nếu không có phim dự giải mà cứ đi thảm đỏ tại Cannes là có vấn để về đầu óc.
Cũng chính vì những gương mặt vô danh và những trò lố trên thảm đỏ nhiều năm nay mà thảm đỏ Liên hoan phim Cannes đã phần nào mất đi giá trị ban đầu là quảng bá phim.
Nó đã trở thành một nơi trung gian để dùng tiền mua đi bán lại danh tiếng và vài khoảnh khắc được chú ý.