Các Ngân hàng Trung ương tại Đông Nam Á ứng phó thế nào với tác động từ virus Corona?

Bích Ngọc |

Để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của virus Corona, Thái Lan đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục còn Singapore thì cam kết có đủ các công cụ cần thiết để điều chỉnh giá trị đồng tiền phù hợp với tình hình kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan ngày 6/2 đã hạ lãi suất xuống còn 1% trước nhận định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế năm 2020 sẽ thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó bởi dịch viêm phổi cấp do virus Corona đã gây tổn hại đáng kể đến ngành du lịch.

Ngoài ra, sự chậm trễ trong việc phê duyệt ngân sách hàng năm và đợt hạn hán nghiêm trọng vừa qua cũng có tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế nước này trong năm nay.

"Ổn định tài chính sẽ trở nên mong manh hơn do triển vọng về một sự suy thoái kinh tế," ông Titan Mallikamas, thư ký Ủy ban Chính sách tiền tệ Thái Lan, cho biết sau khi cơ quan này nhất trí cắt giảm lãi suất. "Trong tình trạng này, việc phối hợp các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là cực kỳ cần thiết."

Tháng 12/2019, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 với nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á từ 3,3% xuống còn 2,8%. Theo Bloomberg, đồng Baht của Thái Lan là đồng tiền có hiệu suất yếu nhất trong khu vực trong năm nay, mất giá 3% so với đồng đô la Mỹ.

Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) thì khẳng định lập trường chính sách của họ vẫn không thay đổi nhưng thừa nhận khả năng mất giá của đồng nội tệ. Thay vì sử dụng lãi suất, Singapore quản lý chính sách tiền tệ bằng việc cho phép giá trị đồng nội tệ lên hoặc xuống so với giỏ tiền tệ của các đối tác thương mại chính.

Và trong một tuyên bố mới đây, cơ quan này cho biết họ đã chuẩn bị đầy đủ các chính sách thích hợp để điều chỉnh tỷ giá hối đoái của Singapore nhằm làm giảm bớt sự suy yếu kinh tế do virus Corona gây ra.

Đồng Đô la Singapore đã giảm 0,6% so với đồng Đô la Mỹ sau thông báo trên và là đồng tiền có hiệu suất kém thứ ba ở châu Á trong năm nay, mất giá 2,3%.

Singapore và Thái Lan là hai trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự bùng phát của virus corona , đứng thứ hai và thứ ba, chỉ sau Trung Quốc. Khách Trung Quốc chiếm hơn 1/4 trong số 38 triệu khách du lịch quốc tế của Thái Lan vào năm ngoái và số lượng khách từ Trung Quốc đại lục đã giảm mạnh trong những ngày gần đây.

Một số nhà nghiên cứu của ANZ tại Singapore cho rằng đồng Baht Thái suy yếu phần lớn là do sự sụt giảm mạnh từ hoạt động du lịch ra nước ngoài của người dân Trung Quốc.

Hôm 5/2, Maybank, một ngân hàng lớn của Malaysia, đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Singapore xuống 1,1%, từ mức 1,8% trước đó.

Họ nói rằng sự bùng phát của virus và việc hạn chế đi lại của người dân Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch và bán lẻ, điều đó sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng ra nước ngoài của Trung Quốc cũng như tác động mạnh đến các nhà sản xuất.

Tại Việt Nam, sáng ngày 6/2, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị với các NHTM triển khai các giải pháp tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV.

Theo đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, dư nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét giảm lãi suất, cho vay mới để khách hàng bị thiệt hại có điều kiện nuôi trồng, kinh doanh mới.

NHNN cũng khuyến khích các NHTM nên giảm lãi suất cho những đối tượng đang chiụ ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh (ngoài những lĩnh vực ưu tiên đang hưởng lãi suất cho vay 6%/năm), bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.

NHNN đồng thời cho biết sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM. Nếu cần thiết, NHNN cũng sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành, qua đó gián tiếp hỗ trợ các NHTM giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại