Theo báo cáo tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIV, NHNN cho biết đến cuối tháng 6/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 164,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,09% tổng dư nợ (thấp hơn mức 2,46% năm 2016 và 2,55% năm 2015). Từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2018, toàn hệ thống xử lý được 785,93 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Bên cạnh kết quả tích cực trong xử lý nợ xấu nói chung, xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cũng đạt được kết quả bước đầu. Từ 15/8/2017 đến 30/6/2018, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống TCTD được xử lý đạt 138,29 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiến trình xử lý nợ xấu vẫn đang còn nhiều khó khăn và vướng mắc, NHNN đã phải liên tục chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh xử lý nợ xấu hơn nữa.
Mới đây, Thống đốc NHNN tiếp tục có văn bản đốc thúc các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu cuối năm.
Trong đó, NHNN nhấn mạnh cần chủ động hơn trong việc phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong khi thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương.
NHNN yêu cầu các TCTD tích cực tìm kiếm đối tác mua nợ đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ, đồng thời tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định, đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Quan sát trên thị trường cho thấy, VAMC cùng nhiều ngân hàng đang ráo riết xử lý nợ, thanh lý tài sản bảo đảm trong thời gian gần đây. Nhiều khoản nợ lớn được "đại hạ giá" hàng trăm tỷ đồng.
Điển hình như VAMC vừa thông báo đấu giá lần thứ 6 khoản nợ của Công ty Thuận thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với tổng dư nợ là 2.378 tỷ đồng tại BIDV Phú Tài (có 4 TSBĐ).
Đáng chú ý, giá khởi điểm được đưa ra lần này chỉ còn 843,7 tỷ, giảm 140 tỷ so với lần trước đó và so với mức giá cao nhất từng đưa ra thì đã giảm 364 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đấu giá là ngày 16/11 tới đây.
Hồi tháng 5, VAMC và BIDV từng bất ngờ điều chỉnh giá khởi điểm từ 845 tỷ đồng lên tới 1.208 tỷ. Như vậy, qua 6 tháng, hết nâng giá rồi lại đại hạ giá, mức chào bán lại về với thời điểm ban đầu mà chưa biết kết quả ra sao.
Bên cạnh đó, BIDV cũng đang rao bán hàng loạt khoản nợ khủng của nhiều doanh nghiệp. Chẳng hạn như BIDV chi nhánh Ba Tháng Hai đang rao bán khoản nợ của Công ty CP Thương Mại Toàn Lực tại VAMC với giá khởi điểm hơn 241 tỷ đồng. Hay BIDV và VAMC đấu giá khoản nợ hơn 678 tỷ đồng của công ty CP Tiến Nga với giá khởi điểm gần 495 tỷ.
Ngân hàng lớn khác là Agribank cũng đang chào bán nhiều khoản nợ, trong đó đáng chú ý là khoản nợ xấu của Tập đoàn Đông Thiên Phú vay tại Agribank chi nhánh Sở giao dịch. Giá khởi điểm 160,5 tỷ đồng, giảm tới 80 tỷ so với thông báo đấu giá hồi tháng 9.
Không chỉ những khoản nợ lớn rao bán mãi không ai mua, mà nhiều khoản nợ giá trị nhỏ ở Agribank cũng ở trường hợp tương tự. VAMC đang rao bán khoản nợ xấu của công ty Bình Lý (tại Agribank Hà Tây) với giá hơn 37,7 tỷ đồng. Đây đã là lần thứ 7 VAMC thông báo đấu giá tài sản này.
Nhắc đến việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu không thể thiếu Sacombank. Nhà băng này đang rao bán hàng loạt bất động sản là TSBĐ cho các khoản nợ xấu ở TP.HCM.
Trong đó, đáng lưu ý nhất là 4 lô bất động sản với tổng giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, gồm dự án KCN Phong Phú ở huyện Bình Chánh với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng, dự án khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B với diện tích 530.000m2, giá khởi điểm là 6.698 tỷ đồng, dự án khu dân cư phường Bình Thủy tại Cần Thơ với diện tích 600.000m2, giá 4.565 tỷ đồng, dự án khu nhà ở phường Long Bình, quận 9, TP.HCM 164.949,9m2, mức giá khởi điểm 1.815 tỷ đồng.