Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) sáng 8/2 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.
Còn theo nguồn tin của chúng tôi, ngay từ hôm qua (7/2), một số ngân hàng lớn trong nhóm Big4 đã rục rịch triển khai đến các chi nhánh về việc giảm lãi suất huy động dân cư, các chi nhánh căn cứ theo chỉ đạo này để cân đối, huy động vốn đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, mức lãi suất đa ở các ngân hàng lớn sẽ chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5% hiện tại.
Theo khảo sát, ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Động thái này diễn ra sau khi cơ quan điều hành có hoạt động thanh kiểm tra và nhắc nhở một số nhà băng có lãi suất huy động trên 10%. Do đó, các ngân hàng cũng đã tiết chế hơn trong việc huy động với lãi suất cao. Thống kê hiện nay cho thấy, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. So với giai đoạn cao điểm hồi tháng 11/2022, lãi suất huy động hiện nay đã giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Chẳng hạn, VietCapitalBank lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra là 9%/năm, áp dụng với tiền gửi trực tuyến 12 tháng trở lên trong khi trước đó, cuối năm 2022, lãi suất ở kỳ hạn này là 9,5%/năm.
Tại PVCombank, trước đây lãi suất cao nhất là 9,9%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền trực tuyến (theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng). Tuy nhiên, hiện tại, loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm, giảm 0,4%/ năm.
Tương tự, Techcombank đến nay đã hạ lãi suất huy động 0,3 - 0,4%/ năm so với thời điểm tháng 12/2022. Hiện mức lãi suất tối đa Techcombank trả cho khách hàng VIP là 9,2%/năm, cho khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng với kỳ hạn trên 6 tháng. Trong khi đó, khách hàng thường được trả lãi 8,9%/năm.
Tuy nhiên, cũng lưu ý, lãi suất thực tế trên thị trường vẫn có sự khác biệt so với biểu lãi suất chính thức. Mặc dù tình trạng này cũng đã bớt phổ biến hơn sau những chỉ đạo “nóng” của Ngân hàng Nhà nước.
Hồi tháng 12/2022, dưới sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng, hàng loạt nhà băng đã thỏa thuận và thống nhất với nhau về mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm tại tất cả các kỳ hạn (bao gồm các khoản khuyến mại).
Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. NHNN cũng khẳng định, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản sẽ được NHNN có biện pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, lãi suất có thể sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này do điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn. Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng.
Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, BVSC cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng. BVSC kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này, với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý 2, khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.