Các nền kinh tế được Việt Nam rót tiền nhiều nhất 3 tháng đầu năm, cái tên đầu bảng gây bất ngờ lớn

Pha Lê |

Trong 3 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 22 dự án đầu tư mới và 2 lượt điều chỉnh vốn đầu tư.

Vốn đầu tư Việt Nam rót nhiều nhất vào cường quốc số 1 thế giới

Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 28,94 triệu USD. Con số này bằng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 22 dự án đầu tư mới và 2 lượt điều chỉnh vốn đầu tư.

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 9 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành bán buôn, bán lẻ chiếm 39,8% vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 18,6% vốn; xây dựng chiếm 17,3% vốn. Còn lại là các ngành khác.

Có 13 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Hoa Kỳ 23%; New Zealand 20,3%; Cộng hòa Liên bang Đức 18,6%; Lào; Singapore…

Lũy kế đến ngày 20/3/2024, Việt Nam đã có 1.720 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,12 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng 31,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 15,5%. Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào 24,7%; Campuchia 13,2%; Venezuela 8,3%.

Các nền kinh tế được Việt Nam rót tiền nhiều nhất 3 tháng đầu năm, cái tên đầu bảng gây bất ngờ lớn- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp Việt tăng đầu tư vào Mỹ. (Hình minh họa).

Công nghệ số - Miếng bánh "béo bở" cho các doanh nghiệp Việt

Đầu tư ra nước ngoài là xu hướng tất yếu trong tình hình kinh tế hiện nay. TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Công thương) cho biết, đầu tư làm ăn ở nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tăng hội nhập sâu rộng. Đồng thời qua đó, các doanh nghiệp cũng trực tiếp tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến của nước ngoài… nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong một thế giới hội nhập.

Trao đổi tại Hội nghị lần 2 về hợp tác số toàn cầu do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hôm 26/3 vừa qua, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: "Trong tiến trình phát triển, vươn ra thị trường nước ngoài để cạnh tranh, chinh phục, tìm kiếm doanh thu là chiến lược phát triển mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần hướng tới. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt hướng ngoại, khi mà dòng vốn đầu tư ra nước ngoài liên tục tăng trưởng".

Các nền kinh tế được Việt Nam rót tiền nhiều nhất 3 tháng đầu năm, cái tên đầu bảng gây bất ngờ lớn- Ảnh 2.

Dự án đầu tư của Viettel tại Châu Phi. Ảnh: Viettelfamily.

Trước đây, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam chủ yếu là do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện với các dự án có quy mô vốn lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư và thành công tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp này có thể kể đến như Tập đoàn Viettel, FPT, Vinamilk, NutiFood…

Đặc biệt, viễn thông và công nghệ số là một trong những lĩnh vực Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đem lại thành công lớn cho Việt Nam. Theo thống kê, đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đến hết năm 2023 đã ghi nhận 207 dự án sang 33 quốc gia với tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Theo số dự án, các dự án quy mô nhỏ vẫn chủ yếu tập trung vào các quốc gia Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, trong khi các dự án viễn thông có quy mô lớn hơn, tập trung vào các nước châu Phi. 

Trong năm 2023, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu tăng 32%. Tỷ trọng "make in Viet Nam" tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%. 

Hiện có tới 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài, có doanh thu từ nước ngoài; tổng doanh thu năm 2023 đạt 7,5 tỷ USD.

Về kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu năm 2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt 3.636.752 tỷ đồng (hơn 149,3 tỷ USD) và năm 2025 lên mức 3.828.160 tỷ đồng (157,1 tỷ USD).




Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại