Các máy bay được huy động tham gia tìm kiếm Su-30MK2 gặp nạn

Tuấn Trung |

Quân chủng PK-KQ và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã huy động các máy bay CASA-212-400, An-26 cùng với trực thăng Mi-171/172 tham gia công tác cứu hộ chiếc Su-30MK2 gặp nạn.

Máy bay tuần thám biển CASA-212-400

Các máy bay được huy động tham gia tìm kiếm Su-30MK2 gặp nạn - Ảnh 1.

Máy bay tuần thám biển CASA-212-400 của Cảnh sát biển Việt Nam

CASA-212-400 là biến thể nâng cấp dành cho nhiệm vụ tuần tra biển trên cơ sở vận tải cơ hạng nhẹ C-212 Aviocar do hãng Airbus Military sản xuất.

Máy bay có chiều dài 16,2 m; chiều cao 6,2 m, sải cánh 20,28 m, trọng lượng cất cánh tối đa 7,7 tấn; khả năng chuyên chở 24 lính hoặc 2,7 tấn hàng hóa. Hai động cơ turbine cánh quạt TPE-331-12JR-701C cho tốc độ 370 km/h, tầm hoạt động 1.811 km, trần bay 7.295 m.

CASA-212-400 được thiết kế với hệ thống radar ở bụng có góc quét 360 độ, bên cạnh đó là máy ảnh hồng ngoại độ phân giải cao và hệ thống truyền dữ liệu qua vệ tinh, cho phép hoạt động hiệu quả cả ngày lẫn đêm. 

Đây chính là phương tiện chủ công trong nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn chiếc Su-30MK2 mất tích.

Máy bay vận tải An-26

Các máy bay được huy động tham gia tìm kiếm Su-30MK2 gặp nạn - Ảnh 2.

Máy bay vận tải An-26 của Không quân Việt Nam

Antonov An-26 là loại máy bay vận tải hạng nhẹ 2 động cơ cánh quạt được phát triển từ Antonov An-24 với những sửa đổi đặc biệt để sử dụng trong quân sự. So với An-24, An-26 được hoán cải phần thân phía sau với một thang chất hàng hóa lớn.

Máy bay có chiều dài 23,8 m; sải cánh 29,2 m; chiều cao 8,32 m; trọng lượng rỗng 15.020 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 24.000 kg.

Hai động cơ cánh quạt Progress AI-24VT công suất 2.075 kW và 1 động cơ phản lực phụ trợ RU-19-300 8,8 kW cho tốc độ tối đa 540 km/h, trần bay 7.500 m, tầm bay 2.550 km với tối đa nhiên liệu hoặc 900 km với tối đa trọng tải (5,5 tấn hàng hóa).

Trong nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn lần này, An-26 sẽ đảm đương vai trò quan sát bằng mắt ở tầm cao, bổ trợ cho CASA-212-400.

Trực thăng Mi-171/Mi-172

Các máy bay được huy động tham gia tìm kiếm Su-30MK2 gặp nạn - Ảnh 3.

Trực thăng Mi-171 phiên bản tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam

Mi-171 là phiên bản xuất khẩu của trực thăng Mi-8AMT, sự khác biệt giữa Mi-8 với Mi-17 có thể dễ dàng nhận thấy là chúng có chong chóng đuôi nằm ở mạn trái cùng tấm chắn bụi bố trí phía trước họng nạp khí của động cơ.

Máy bay có chiều dài 18,42 m; sải cánh 21,352 m; chiều cao 4,76 m; trọng lượng rỗng 7.100 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 13.000 kg. Hai động cơ turbine trục Klimov TV3-117VM công suất 1.450 kW mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 250 km/h, trần bay 6.000m, tầm hoạt động 950 km.

Các máy bay được huy động tham gia tìm kiếm Su-30MK2 gặp nạn - Ảnh 4.

Trực thăng Mi-171 tham gia tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Ngọc Tú

Mi-171 có sức chứa 32 hành khách, hoặc 4.000 kg hàng trong khoang, hoặc 4.500 kg tại các điểm treo bên ngoài, mang được súng máy, bom, rocket và tên lửa chống tăng để yểm trợ hỏa lực khi cần thiết.

Các máy bay được huy động tham gia tìm kiếm Su-30MK2 gặp nạn - Ảnh 5.

Trực thăng Mi-172 của Binh đoàn 18 - Tổng công ty trực thăng Việt Nam

Ngoài Mi-171, Không quân Việt Nam còn sử dụng cả biến thể chuyên dùng để vận tải hành khách mang định danh Mi-172. Được biết trực thăng Mi-172 đã được huy động tham gia tìm kiếm ở tầm thấp cùng Mi-171.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại