Nhiều nhóm khách hàng đã đâm đơn kiện các hãng sản xuất ô tô vì bán những chiếc xe có hệ thống giải trí và hệ thống điện tử bị lỗi. Các lỗi được nêu ra bao gồm: màn hình bị đứng hình, chập chờn hoặc là tối đen; âm thanh bị ngắt quãng hoặc đột ngột bị to tiếng không kiểm soát; camera lùi bị lỗi.
Các lỗi này thường xảy ra khi phần cứng tương tác với phần mềm Carplay của Apple hoặc Android Auto của Google, vốn cho phép lái xe sử dụng điện thoại để định vị, kết nối hoặc nghe nhạc và đài phát thanh.
Ảnh minh họa: autoevolution.com
Lỗi phần mềm ô tô tưởng chừng là một sự bất tiện đơn thuần. Tuy nhiên, các nguyên đơn đã lập luận thành công về việc mối nguy hiểm tiềm ẩn, gây mất tập trung và ảnh hưởng đến an toàn của người dùng khi bảng điều khiển bị trục trặc.
Việc trang bị thêm các tính năng điện tử cho ô tô là bước chuyển đổi mạnh mẽ trong thời đại kỹ thuật số và cũng là nhân tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng sản xuất xe.
Các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang đứng trước nguy cơ mất thị phần trước Tesla và các hãng sản xuất ô tô điện khác vốn chú trọng nhiều vào phần mềm.
Chính vì vậy, các hãng sản xuất ô tô lâu đời đang tìm kiếm giải pháp trong việc nâng cấp sự tích hợp các phần mềm của Apple và Google vào bên trong hệ thống ô tô.
Các nhà sản xuất ô tô đang ở trong một tình thế khó khăn. Tốc độ phát triển của công nghệ ô tô đang bị thụt lùi so với với tốc độ phát triển của công nghệ số. Một phương tiện mới thường mất 4 năm để phát triển, bao gồm cả quá trình thử nghiệm an toàn tốn nhiều công sức. Trong khi đó, một chiếc ô tô thường có vòng đời sản phẩm trung bình 10 năm và đây là một khoảng thời gian quá dài so với sự biến đổi từng ngày của thế giới công nghệ.