Dựa trên những bức ảnh, thông tin nguồn mở và phần mềm thiết kế đảo ngược, các kỹ sư này nói rằng họ phát hiện dòng máy bay chiến đấu không người lái XQ-58A Valkyrie không giỏi khi chiến đấu trên không.
Ví dụ, theo tính toán của họ, khi quay đầu, máy bay này có thể chịu lực kéo gấp khoảng 1,7 lần trọng lực hoặc lớn hơn. Đây là điểm yếu của máy bay, nhưng thiết kế khác thường cũng mang lại những lợi ích khác, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đánh giá.
“Quá trình đảo ngược thiết kế của XQ-58A cho thấy với những bước đột phá liên tục về trí tuệ nhân tạo và công nghệ truyền dữ liệu, dòng máy bay mới XQ-58A sẽ dần trở thành chủ lực trên chiến trường và là sức mạnh dẫn dắt mới trong chuyển đổi mô hình tác chiến phối hợp giữa con người và máy móc”, kỹ sư cấp cao Lu Yuanjie và các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu và thiết kế hàng không Thẩm Dương viết trong bài báo đăng trên tạp chí Thiết kế máy bay.
Tháng trước, Không quân Mỹ ký hợp đồng trị giá 13,2 triệu USD với nhà thầu quốc phòng Kratos để đưa XQ-58A sẵn sàng vào năm 2023. Hồi tháng 5, công ty này cho biết sẽ bàn giao lô đầu tiên trong năm nay.
Từ khi ra mắt lần đầu tiên năm 2019, mẫu máy bay này đã được thử nghiệm 6 lần và gặp hai sự cố khi cất và hạ cánh. Với chi phí khá thấp, khoảng 2 triệu USD, XQ-58A dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt.
XQ-58A là thành phần xương sống trong chương trình Skyborg của Không quân Mỹ. Mục tiêu của chương trình này là dùng hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ các phi công lái các dòng máy bay tàng hình F-22 và F-35 để chiến đấu hoặc giám sát.
Những nhà thầu khác như Boeing cũng đã cho ra đời sản phẩm tương tự.
Trung Quốc lo ngại những máy bay này có thể tạo thêm tính bất định trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Một nghiên cứu của quân đội Trung Quốc đầu năm nay cảnh báo rằng Mỹ có thể tập hợp một số lượng lớn XQ-58A trên một nhóm đảo hoặc tàu ở phía đông đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Với hệ thống cất cánh có tên lửa hỗ trợ, những máy bay này có thể nhanh chóng tạo thành nhóm lớn và tạo nên mối đe doạ nghiêm trọng đối với lực lượng của Trung Quốc ở khu vực eo biển Đài Loan nếu xung đột nổ ra.
Chúng thậm chí có thể tấn công một số mục tiêu ở Trung Quốc đại lục với sự hỗ trợ của công nghệ tàng hình, hoặc dọn đường cho các phi đội F-22 và F-35.
“Dù XQ-58A vẫn cần thử nghiệm và điều chỉnh trong ngắn hạn, việc tích luỹ những công nghệ liên quan và thẩm định các mô hình ứng dụng sẽ tạo nên phong cách chiến đấu cơ bản trong tương lai, và chúng ta nên chú ý tới điều này”, GS Guo Zheng và các đồng nghiệp tại ĐH Công nghệ quốc phòng quốc gia Trung Quốc nói trong bài viết đăng trên tạp chí Công nghệ quốc phòng hồi tháng 2.
Nhóm của ông Lu nói rằng nhiệm vụ chính của họ không phải để nhân bản XQ-58A mà để tìm ra động cơ tiềm ẩn của quân đội Mỹ.
Họ thấy rằng các nhà thiết kế Mỹ đã cố nén thiết bị và nhiên liệu vào dòng máy bay không người lái này càng nhiều càng tốt, trong khi cố giữ thiết kế hai cánh, động cơ và tổng kích thước của máy bay càng nhỏ càng tốt.
Những ưu tiên thiết kế này gợi ý rằng quân đội Mỹ ưu tiên vũ khí, khả năng giám sát và tầm xa hơn là tính cơ động.