Theo Futurism, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, cháy rừng và các đợt nắng nóng trên diện rộng đã và đang liên tục tàn phá hành tinh cũng như nền kinh tế của chúng ta.
Một nghiên cứu mới đây đã phân tích những sự kiện thời tiết cực đoan và đưa ra một kết luận đáng buồn (nhưng không thực sự đáng ngạc nhiên): chúng đang ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, "tin vui" là chúng ta đang ngày càng giỏi trong việc giảm thiểu tác động về mặt kinh tế của thiên tai.
Vào năm 2013, Hội đồng Cố vấn Khoa học Học viện Châu Âu (EASAC) – bao gồm một nhóm 27 học viện khoa học quốc gia ở Châu Âu – đã công bố một nghiên cứu có tiêu đề "Xu hướng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở châu Âu".
Mới đây, EASAC chia sẻ một bản cập nhật cho nghiên cứu này kết hợp dữ liệu từ năm 2013 đến năm 2017.
Kết hợp với lần nghiên cứu đầu tiên, nhóm đã kiểm tra các chỉ số cực đoan về nhiệt độ, lượng mưa, hạn hán và các chỉ số liên quan đến khí hậu khác trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2016.
Qua đó họ nhận thấy rằng các sự kiện khí hậu khắc nghiệt toàn cầu (nhiệt độ khắc nghiệt, hạn hán và cháy rừng) tăng gấp đôi kể từ năm 1980.
Cùng thời kỳ đó, số lượng các sự kiện khí tượng đã tăng lên gấp đôi, còn số lượng các sự kiện thủy văn (lũ lụt, sạt lỡ đất…) đã tăng 4 lần kể từ năm 1980 và tăng gấp đôi từ năm 2004.
Nói một cách ngắn gọn: các sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn trên toàn cầu, và tần suất xuất hiện của chúng sẽ khó có thể giảm đi ngay trong tương lai gần.
Bản báo cáo được cập nhật cũng xem xét đến những nguyên nhân tiềm năng của các hiện tượng thời tiết này, như dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC). AMOC, còn được gọi là Gulf Stream, đã bị chậm lại khi hành tinh nóng lên và các nhà khoa học e ngại rằng nó sẽ dừng hoàn toàn, gây biến đổi khí hậu nhanh chóng tại châu Âu.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý đến chi phí khắc phục hậu quả gia tăng do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn. Ví dụ, vào năm 1980, Bắc Mỹ đã mất 10 tỷ USD do giông bão. Vào năm 2015, con số đó đã lên đến gần 20 tỷ USD.
Tuy nhiên, ở châu Âu, mặc dù lũ lụt đã trở nên thường xuyên hơn nhưng những tổn thất về tài chính vẫn ở mức ổn định, không tăng lên.
Đây là một tín hiệu khá đáng mừng, khi các nước đã thực hiện nhiều biện pháp hơn để đối phó với các tình huống khí hậu khắc nghiệt.
Đẩy lùi biến đổi khí hậu là một công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền của, và cho đến khi chúng ta làm được điều đó, có thể giảm thiểu được những thiệt hại do thiên tai gây ra đã là tốt lắm rồi.