Các công ty Trung Quốc đang tăng cường xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Mỹ, củng cố thế thống trị của gã khổng lồ châu Á trong lĩnh vực này trên toàn cầu.
Trong khi đó, các hãng sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ đang phải vật lộn để cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc dù được hưởng nhiều khoản trợ cấp liên bang.
Theo phân tích của Reuters, công suất sản xuất tấm pin mặt trời của các công ty Trung Quốc trên đất Mỹ sẽ đạt 20 gigawatt (GW) trong năm tới, đủ để phục vụ khoảng một nửa thị trường Mỹ.
Nhóm công ty Trung Quốc này bao gồm 7 doanh nghiệp lớn, đó là Jinko Solar, Trina Solar, JA Solar, Longi, Hounen, Runergy và Boviet.
Theo phân tích, sản lượng tấm pin mặt trời do các công ty Trung Quốc sản xuất tại Mỹ tăng nhanh được cho là đáng ngại đối với chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Joe Biden. Trong khi chính quyền ông Biden mong muốn có nguồn đầu tư mới nhằm tạo ra việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch, chính phủ cũng rất muốn ngăn chặn sự phụ thuộc quá mức vào đối thủ địa chính trị Trung Quốc khi nền kinh tế chuyển đổi từ dầu khí sang năng lượng tái tạo.
Công ty do Trung Quốc hậu thuẫn có những lợi thế khác biệt so với các đối thủ Mỹ, bao gồm trợ cấp cho các chuỗi cung ứng polysilicon thô và các mô-đun năng lượng mặt trời chưa hoàn thiện, cũng như nguồn vốn ưu đãi của chính phủ. Giống như các công ty không đến từ Trung Quốc, họ cũng nhận được trợ cấp của Mỹ cho sản xuất năng lượng sạch dưới Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022.
“Thật khó để tưởng tượng sẽ có doanh nghiệp mới trong lĩnh vực này sản xuất nhanh hơn các hãng Trung Quốc”, Paula Mints, người sáng lập công ty nghiên cứu ngành năng lượng mặt trời SPV Market Research, nhận định.
Có chung quan điểm với bà Mints, 1 nhà nghiên cứu khác cho biết khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ giúp ngành sản xuất năng lượng mặt trời tại Mỹ phát triển và tạo việc làm.
“Họ có nhiều kinh nghiệm hơn trong xây dựng nhà máy và thiết lập chuỗi cung ứng”, David Feldman – nhà nghiên cứu thị trường năng lượng mặt trời tại Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, cho biết.
Các quan chức địa phương và tiểu bang có nhà máy của các công ty Trung Quốc, bao gồm Texas, Arizona, Ohio và North Carolina, đều hoan nghênh các khoản đầu tư này.
“Chúng ta cần các nhà sản xuất của Mỹ”
Ngược lại, các nhà sản xuất không phải của Trung Quốc tại Mỹ thấy khó cạnh tranh với “cơn lũ” hàng nhập khẩu giá rẻ và lo ngại về sự hiện diện quá lớn của Trung Quốc. Reuters đưa tin năm ngoái rằng có tới một nửa trong số các dự án nhà máy được công bố tại Mỹ đã không được triển khai.
Ví dụ, Convalt Energy (Mỹ) đang phải vật lộn để đưa nhà máy ở phía bắc New York đi vào hoạt động. Cơ sở này có công suất hàng năm là 10 GW, được khởi công vào năm 2022.
“Nếu muốn thành công, chúng ta cần các nhà sản xuất của Mỹ như Convalt để đứng vững trước làn sóng hàng giá rẻ, đồng thời xây dựng các nhà máy cạnh tranh với các công ty toàn cầu”, CEO Hari Achuthan của Covalt nói trước Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ vào tháng 5.
Hiên, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đang xem xét kiến nghị của Hanwha Qcells (Hàn Quốc) và các nhà sản xuất khác của Mỹ về việc áp dụng thuế quan mới đối với một số mặt hàng năng lượng mặt trời nhập khẩu.
Tiến độ của nhà máy Convalt đã bị đình trệ 1 năm trước khi giá tấm pin mặt trời giảm 50% trên toàn cầu, thấp hơn cả chi phí sản xuất của Convalt, ông Achuthan cho biết. “Nếu chúng tôi không phải chịu mức giá thấp này, nhà máy đã có thể hoạt động ngay”, ông nói.
Trả lời Reuters, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết việc phát triển chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời trong nước sẽ mất thời gian và Mỹ cũng phải dựa vào các doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao năng lực.
“Quyết tâm hiện diện tại Mỹ”
Các công ty Trung Quốc là nhà cung cấp số 1 về thành phần pin năng lượng mặt trời và pin xe điện nhập khẩu vào Mỹ. Họ hiện chiếm 1/5 tổng số nhà máy sản xuất trong lĩnh vực này tại Mỹ.
Mỹ đã cố gắng “cai nghiện” các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc bằng việc áp đặt thuế quan và cấm các mặt hàng có liên quan đến khu vực Tân Cương của Trung Quốc vì lo ngại về vấn đề lao động. Hiện tại, Mỹ đang xem xét các mức thuế mới đối với các thành phần được sản xuất tại các quốc gia châu Á có nhà máy Trung Quốc.
Cho đến nay, các công ty Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào sản xuất mô-đun tại Mỹ, bao gồm các tế bào quang điện nhập khẩu từ châu Á và được lắp ráp thành các tấm pin.
Ví dụ, Longi, nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn thứ 3 thế giới, đang sản xuất các tấm pin tại Pataskala, Ohio thông qua một liên doanh với công ty phát triển năng lượng sạch Illuminate USA (Mỹ). Nhà máy có công suất 5 GW, là một trong những nhà máy lớn nhất được công bố kể từ khi Đạo luật Giảm lạm phát được thông qua. Công ty cũng đang cân nhắc xây dựng một cơ sở sản xuất pin tại đây.
Trina, nhà sản xuất lớn thứ 4 toàn cầu trong ngành, có kế hoạch khởi công một nhà máy có công suất 5 GW tại Texas trong năm nay, đồng thời dự định xây dựng một cơ sở sản xuất pin.
“Chúng tôi quyết tâm sẽ hiện diện ở đây. Chúng tôi đang dành nhiều thời gian và tiền bạc để biến điều đó thành hiện thực”, Mike Nelson, giám đốc pháp lý của Trina tại Bắc Mỹ cho biết.
Trong khi các nhà sản xuất Trung Quốc đối mặt với phản đối từ một số chủ nhà máy khác tại Mỹ, thì các bên mua hàng lại chào đón họ vì nguồn cung giá rẻ.
Hiệp hội Năng lượng Sạch Hoa Kỳ cho biết lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ đang thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Hiệp hội cho biết các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ chiếm phần lớn hoạt động sản xuất tấm pin mặt trời.
Các nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ, bao gồm Hanwha Qcells và First Solar, đang thúc giục chính quyền áp dụng mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu linh kiện và thiết bị từ các quốc gia có nhà máy do Trung Quốc xây dựng nhằm phục vụ thị trường Mỹ.
“Chúng tôi mong muốn các nhà sản xuất hợp pháp của Mỹ có cơ hội cạnh tranh với các công ty do Trung Quốc sở hữu này”, Tim Brightbill, luật sư của Ủy ban thương mại sản xuất pin năng lượng mặt trời Hoa Kỳ nói.