Nói tiếp tục vì trước đó V-League đã tạm ngừng 3 tuần để đội tuyển Việt Nam thi đấu ở vòng loại World Cup 2026. Đây không phải là lần đầu tiên V-League bị ngắt quãng liên tục và thiếu hợp lý.
Cần theo thông lệ quốc tế
Năm ngoái V-League 2023 tạm hoãn 46 ngày để cho đội tuyển U20 tham dự vòng loại U20 châu Á. Như vậy tính từ lúc kết thúc V-League 2022 cho đến khi V-League 2023 trở lại sau hơn 46 ngày ngắt quãng thì các cầu thủ Việt Nam phải chờ đến 34 ngày mới được đá... 1 trận!
Chưa hết nghịch lý, bởi ngay sau đó, V-League 2023 lại tiếp tục dừng thêm 32 ngày cho đội U22 thi đấu ở SEA Games. Như vậy V-League 2023 đã phải tạm dừng 76 ngày vì 2 giải trẻ và giờ đây V-League 2023-2024 vẫn chưa áp dụng theo lịch thi đấu của bóng đá thế giới, vẫn tiếp tục đi theo hệ thống thi đấu liên tục bị cắt khúc - chỉ có ở bóng đá Việt Nam.
Tại hội thảo công tác chuẩn bị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2023-2024 (vào tháng 6-2023), ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn CLB HAGL, đã phát biểu CLB chỉ có nghĩa vụ cung cấp cầu thủ cho đội tuyển quốc gia trong dịp FIFA Day và Asian Cup. Cùng quan điểm với ông Tấn Anh, Phó trưởng đoàn CLB Thanh Hóa Đới Sỹ Nam cũng đề nghị chỉ dừng V-League trong các dịp FIFA Day và Asian Cup. Ông Sỹ Nam còn đưa ra giải pháp, với các CLB có nhiều cầu thủ lên tuyển nên được tạo điều kiện đổi lịch thi đấu để những CLB này không thua thiệt. Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Đức Thắng, lúc đó còn là HLV của CLB Bình Định.
Ý kiến từ các đại diện của những đội Giải Hạng nhất như Huế, Phú Thọ, PVF-CAND cũng muốn V-League và Hạng nhất được diễn ra liên tục và chỉ tạm ngưng trong những dịp FIFA Day theo đúng thông lệ quốc tế. Nếu giải có dừng thêm là chỉ dừng cho đội tuyển quốc gia thi đấu các giải châu Á.
Cần nói không với "bệnh thành tích"
Tuyển U23 Việt Nam thắng đậm Thái Lan 4-0 ngay trên sân vận động Mỹ Đình tại vòng loại U23 châu Á 2020 vào tháng 3-2019 nhưng chỉ 2 năm sau, một số tài năng trẻ của trận thua này đã giúp đội tuyển Thái Lan đăng quang AFF Cup 2020 (tổ chức vào năm 2021).
Ngôi sao sáng nhất của thế hệ này là tiền đạo Supachai Jaided. Thế nhưng Supachai đã vắng mặt ở AFF Cup 2022 do CLB Buriram không đồng ý cho Supachai thi đấu vì anh là cầu thủ trụ cột của đội ở Thai-League.
Không chỉ thiếu Supachai, đội tuyển Thái Lan còn thiếu thêm 3 cầu thủ cũng thuộc CLB Buriram là Suphanat Mueanta, Narubadin Weerawatnodom và Ratthanakorn Maikami do bận đi tập huấn 45 ngày ở Leicester City (Anh). CLB này không "nhả" cầu thủ cho đội tuyển quốc gia, thay vào đó, họ đưa tất cả qua Anh để nâng cao trình độ khi được tập huấn, thi đấu ở môi trường bóng đá đỉnh cao của thế giới.
Hai ngôi sao sáng Chanathip, Supachok Sarachat đang thi đấu ở Nhật Bản cũng không thể trở về đá AFF Cup 2022. Giải bóng đá cao nhất của Thái Lan - Thai-League vẫn diễn ra bình thường và các CLB có quyền không nhả quân cho đội tuyển quốc gia ở các giải SEA Games, AFF Cup.
Còn tại Việt Nam, hậu vệ Đoàn Văn Hậu vô địch AFF Cup 2018 ở tuổi 19, sau đó xuất ngoại sang Hà Lan. Nhưng anh vẫn phải trở về đá SEA Games 2019 cho U22 Việt Nam chỉ vì bóng đá Việt Nam (BĐVN) muốn có được chiếc huy chương vàng. Đoàn Văn Hậu đã đủ đẳng cấp để có vị trí chính thức ở đội tuyển quốc gia, thế mà vẫn "được" triệu tập đá cho các đội tuyển trẻ (U).
Ngôi sao của bóng đá Thái Lan Suphanat dù mới 20 tuổi nhưng anh đã không thi đấu ở AFF Cup 2022 mà thay vào đó là đi tập huấn ở Leicester City (Anh).
Nhắc lại chuyện cũ, so sánh chuyện người và chuyện mình để càng thấy rõ hơn "bệnh thành tích" đã là bệnh trầm kha của BĐVN. Hiện nay trên thế giới không có bất kỳ giải bóng đá vô địch quốc gia nào phải ngưng để tập trung toàn lực cho đội trẻ, nhưng điều này lại là chuyện không lạ ở Việt Nam.
Lịch thi đấu "dồn toa tàu"
Hàng loạt khó khăn từ tài chính đến chuyên môn ảnh hưởng các câu lạc bộ khi V-League cũng như Giải Hạng nhất tạm dừng đã được các chuyên gia, truyền thông nói đi nói lại rất nhiều lần. Chúng tôi sẽ không nhắc lại, thay vào đó muốn nói rõ hơn ở V-League hiện nay phải tạm dừng gần 1 tháng cho đội U23 Việt Nam đi đá U23 châu Á (vòng 15 V-League kết thúc ngày 5-4, vòng 16 sẽ trở lại vào ngày 3-5).
Cụ thể, danh sách đội U23 có 21 cầu thủ đang thi đấu ở V-League, vào giờ chót Phan Tuấn Tài bị chấn thương nên phải vắng mặt. 20 cầu thủ còn lại này thuộc 9/14 đội gồm LPBank HAGL (4); Hà Nội, Công an Hà Nội (3); Thế Công Viettel, Bình Dương, Thanh Hóa, SLNA (2); Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Quảng Nam (1).
Đáng chú ý là chỉ có 3/20 cầu thủ thường xuyên có tên trong đội hình xuất phát là Nguyễn Văn Việt, Lê Nguyên Hoàng (SLNA), Nguyễn Thái Sơn (Đông Á Thanh Hóa). Vậy lấy lý do gì để dừng V-League?
Và khi V-League trở lại sẽ như thế nào? Từ ngày 3 đến 26-5, trong 23 ngày, các CLB phải vừa di chuyển vừa đá 5 trận. Với mật độ thi đấu dày đặc kiểu "dồn toa tàu" như thế này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của các trận đấu. Điều đó cũng ảnh hưởng đến sức hút của giải vì các trận đấu diễn ra đủ 7 ngày trong tuần từ thứ hai đến chủ nhật, thay vì cuối tuần hoặc đôi khi mới là giữa tuần.
Đáng lo hơn nữa, ai dám bảo đảm đội tuyển Việt Nam khi tập trung vào tháng 6 (để thi đấu 2 trận còn lại của vòng loại 2 World Cup 2026 gặp Iraq và Philippines) sẽ có được lực lượng mạnh nhất vì không có cầu thủ nào bị chấn thương cho dù phải đá với lịch thi đấu không khoa học như thế này?
Chỉ có 3/20 cầu thủ của đội U23 Việt Nam tham dự giải U23 châu Á (diễn ra từ ngày 15-4 đến 3-5) là thường xuyên được đá chính ở CLB tại V-League. Vì thế, lý do V-League phải dừng nhằm tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ tham gia thi đấu cọ xát ở các giải quốc tế là không thuyết phục.