Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần ở Mỹ bất ngờ tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng do đợt virus Omicron bùng phát cũng góp phần gây áp lực giảm giá đồng USD.
Dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ trong tuần tới 15/1 đã được điều chỉnh tăng 55.000 lên 286.000, cao nhất kể từ giữa tháng 10. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Như vậy, đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã tăng liên tiếp 3 tuần qua.
Một dữ liệu khác cũng cho thấy doanh số bán nhà đã ở của Mỹ trong tháng 12 giảm 4,6%, nhiều hơn so với mức dự đoán.
Với những lý do trên, chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – đã giảm 0,2% lúc kết thúc ngày 20/1 theo giờ Việt Nam, xuống 95,428.
Marc Chandler, trưởng bộ phận chiến lược thị trường của Bannockburn Forex ở New York, cho biết: "Đồng đô la đã yếu đi trong năm nay", "Nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với những sóng gió lớn. Đó là lý do tại sao tôi không lạc quan như những người khác khi dự đoán về động thái của Fed".
Theo ông Chandler: "Có quá nhiều hành động thắt chặt (chính sách tiền tệ) sắp diễn ra, và tôi cho rằng nền kinh tế sẽ dễ bị tổn thương hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người", và "Điều đó có nghĩa là đồng USD trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ khó khăn hơn nhiều so với nửa đầu năm".
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống 1,8308%, so với mức cao nhất trong hai năm là 1,902% đạt được vào thứ Tư (19/1).
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gần đây tăng mạnh bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn so với những dự đoán trước đây. Các nhà quản lý quỹ dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 3 tới, và sẽ nâng tổng cộng 4 lần trong năm 2022.
Trọng tâm chú ý lớn sắp tới là cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở của Fed (FOMC) sẽ diễn ra vào tuần tới, và thị trường từ nay đến đó sẽ có thái độ thận trọng bởi không chắc chắn để chờ đợi thông tin từ cuộc họp, và cũng bởi sự không chắc chắn về diễn biến địa chính trị ở biên giới Ukraina.
Đồng euro kết thúc ngày 20/1 theo giờ Việt Nam đạt mức cao, là 1,1369 USD. Đồng bảng Anh tăng 0,15% lên 1,3636 USD, trong khi yen Nhật giảm xuống 114,11 JPY.
Đồng crown của Na Uy giảm sau khi ngân hàng trung ương nước này quyết định giữ lãi suất ở mức 0,5% và cho biết họ đang trên đà tăng lãi suất vào tháng Ba. Crown kết thúc ngày 19/1 giảm 0,2% so với euro và USD.
Với các loại tiền gắn bó với hàng hóa, sự kết hợp của việc giá hàng hóa tăng và kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ đã hỗ trợ đô la Australia và đô la Canada.
Đồng đô la Australia tăng 0,64% lên 0,7257 USD, tiếp nối đà tăng từ phiên liền trước; đô la Canada cũng tăng lên 1,2483 CAD.
Các nhà phân tích cho biết việc thị trường lao động Áutralia tăng trưởng mạnh cũng hỗ trợ nội tệ tăng giá. "Báo cáo việc làm mới nhất của Australia đã cung cấp thêm bằng chứng rõ ràng rằng các điều kiện thị trường lao động tiếp tục bị thắt chặt và đã củng cố kỳ vọng rằng RBA (Ngân hàng Dự trữ Australia) trong cuộc họp chính sách sắp tới, vào ngày 1/2, sẽ quyết định chấm dứt ngay lập tức chương trình QE (nới lỏng định lượng), "nhà phân tích Lee Hardman của MUFG cho biết.
Ông Hardman lưu ý rằng đồng đô la Canada là đồng tiền G10 hoạt động tốt nhất trong năm 2022, do giá dầu phục hồi mạnh - đã đạt mức cao nhất trong bảy năm - và dự đoán Ngân hàng Canada sẽ sớm bắt đầu tăng lãi suất.
"Giá hàng hóa trên bảng điện tử qua đêm vừa qua tăng mạnh là động lực lớn cho các loại tiền tệ phụ thuộc vào hàng hóa", trong bối cảnh những tác động bất lợi của biến thể Omicron dự báo sẽ không có tác động bất lợi lâu dài đến triển vọng kinh tế toàn cầu, nhà chiến lược tiền tệ của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia.
Các chính phủ trên toàn thế giới đang nới lỏng các quy tắc kiểm dịch và xem xét các biện pháp hạn chế virus Covid-19 khi họ nỗ lực đưa nền kinh tế của mình trở lại trạng thái bình thường mới – điều đã giúp giá hàng hóa tăng lên.
Giá dầu Brent phiên 19/1 đã chạm mức 89,17 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2014, được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung ngắn hạn thắt chặt. Giá than kỳ hạn tại Newcastle đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10, và quặng sắt cũng tăng giá.
Cập nhật tỷ giá các cặp tiền chủ chốt.
Tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á cũng tăng trong phiên vừa qua, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương Indonesia và Malaysia không thay đổi tỷ lệ chính sách tiền tệ trước cuộc họp quan trọng của Fed vào tuần tới. Rupiah và ringgit tăng 0,1% mỗi loại trong ngày 20/1.
Khi những lo ngại về lạm phát báo trước việc toàn cầu chuyển hướng toàn cầu sang chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, chủ yếu ở các nền kinh tế phát triển, các ngân hàng trung ương ở châu Á dường như đang di chuyển với tốc độ chậm hơn để đảm bảo nền kinh tế của họ ổn định và sự phục hồi không bị cản trở.
Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tham chiếu lần đầu tiên trong gần hai năm do dữ liệu kinh tế tuần này cho thấy sự suy yếu hơn nữa trong tiêu dùng và lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn.
Như dự kiến, các ngân hàng trung ương ở Indonesia và Malaysia không thay đổi lãi suất chính sách. Các cuộc thăm dò của Reuters được tiến hành trước cuộc họp cho thấy các nhà kinh tế dự kiến cả Ngân hàng Negara Malaysia và Ngân hàng Indonesia sẽ đợi đến 6 tháng cuối năm mới bắt đầu tăng lãi suất.
Nhân dân tệ phiên này duy trì ở mức như phiên trước, chiều ngày 20/1 ở mức 6,3485 CNY/USD.
Trên thị trường tiền điện tử, bitcoin tăng mạnh 3,6% trong ngày 20/1, ở mức 43.182 USD, trong khi ether tăng 5,5% lên 3.249 USD. Giá tiền điện tử giảm thấp trong thời gian đây đã kích thích một số nhà đầu tư mua trở lại.
Diễn biến giá Bitcoin ngày 20/1.
Giá vàng giảm nhưng vẫn ở sát mức gần cao nhất 2 tháng do lo ngại về lạm phát và căng thẳng ở Ukraina.
Theo đó, giá vàng giao ngay vững ở 1.839,42 USD/ounce vào lúc kết thúc ngày 20/1 theo giờ Việt Nam, sau khi có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 22 tháng 11, là 1.843,94 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 0,2% xuống 1.839,80 USD.
Phản ánh tâm lý của nhà đầu tư, lượng vàng mà quỹ giao dịch hoán đổi vàng lớn nhất thế giới, nắm giữ đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 12.