Thông tin về đại dự án Sân bay Long Thành đang thu hút sự chú ý lớn, đặc biệt là câu chuyện xoay quanh các doanh nghiệp tham gia đấu thầu gói thầu số 5.10 với vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng. Chứng khoán VietCap vừa có báo cáo góc nhìn đầu tư đại dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, dự kiến sẽ có tác động đến nhiều ngành.
Giá trị backlog hấp dẫn cho nhóm nhà thầu xây dựng trong nước
Theo Vietcap, cả ba liên danh tham gia dự thầu gói 5.10 đều có kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng và các sân bay quốc tế lớn. Liên danh Hoa Lư gồm một số công ty xây dựng hàng đầu trong nước như Coteccons, Hòa Bình, Delta và Unicons với Powerline Engineering PCL từ Thái Lan, đơn vị có kinh nghiệm trong Sân bay Suvarnabhumi.
Liên danh CHEC-BCEG-Việt Nam do hai nhà thầu xây dựng hàng đầu Trung Quốc đứng đầu, đã xây dựng nhiều sân bay ở Trung Quốc và nước ngoài. Trong khi đó, Vietur được dẫn dắt bởi IC Istas - nhà thầu top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ với kinh nghiệm tại các sân bay quốc tế lớn cùng bóng dáng của cựu Chủ tịch Coteccons và Vinaconex - nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng hàng đầu với bề dày kinh nghiệm xây dựng các sân bay nội địa
Việc được trao gói 5.10 sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản tư nhân trầm lắng. Đặc biệt khi giá trị hợp đồng ký mới bình quân hàng năm của Coteccons và Hòa Bình đã giảm lần lượt 50% và 21% trong khoảng 2019-2022 so với giai đoạn 4 năm trước.
Do đó, gói thầu Long Thành 5.10 trở thành giá trị backlog hấp dẫn khi khối lượng công việc này tương đương với 126% tổng giá trị hợp đồng ký mới hàng năm của Coteccons và Hòa Bình.
Giả sử biên lợi nhuận ròng thu được trên tổng giá trị gói thầu là 3%, ước tính tổng lợi nhuận ròng mà liên danh trúng thầu thu được sẽ vào khoảng 1.000 tỷ đồng.
Vietcap ước tính tổng lợi nhuận ròng tối đa là 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói thầu 5.10, trong trường hợp nhà thầu hoàn thành 50% tổng backlog của gói. Mức lợi nhuận này là tương đối đáng kể so với LNST ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) hay Vinaconex (866 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do thời gian xây dựng ước tính cho Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 39 tháng (tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027 — tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế), tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm.
Một nhóm doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng được hưởng lợi lớn
Ngoài ra, Vietcap ước tính dự án Sân bay Long thành giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 18 triệu tấn đá xây dựng, ngoài ra cần thêm khoảng 1 m3 đá xây dựng cho mỗi m2 đường cao tốc/đường vành đai. Các mỏ đá xây dựng tại tỉnh Đồng Nai đang đứng trước cơ hội lớn khi dự án nằm ở tỉnh Đồng Nai.
Chi phí vận chuyển là một cấu thành chi phí lớn đối với đá xây dựng, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các mỏ đá gần đó. Những công ty hưởng lợi tiềm năng bao gồm CTCP Hóa An (DHA) và CTCP Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hòa (VLB).
Ngược lại, Vietcap đánh giá tác động tới nhóm thép, xi măng và vật liệu xây dựng khác không đáng kể khi nhu cầu ước tính của dự án chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng tiêu thụ của các ngành này.
Ở khía cạnh khác, cổ phiếu ngành hàng khôn g cũng sẽ được hưởng lợi từ năm 2027. Theo Vietcap, việc mở rộng SGN có thể giảm bớt tắc nghẽn tại các nhà ga hành khách từ năm 2025, nhưng sân bay này vẫn sẽ hoạt động gần hết công suất thiết kế; ngoài ra, các hạn chế trong việc khai thác đường băng sẽ gặp nhiều trở ngại hơn sau đó. Công suất mới từ Long Thành sẽ mang lại lợi ích cho các hãng hàng không và ACV trong dài hạn.
Tuy nhiên, trong trung hạn, ACV phải đối mặt với dòng tiền đầu tư lớn và tỷ lệ đòn bẩy cao hơn ảnh hưởng đến thu nhập tài chính thuần trong giai đoạn 2024- 2026.