Nhưng những diễn biến mới nhất một lần nữa đặt ra dấu hỏi về tương lai của một điểm trung chuyển giao thương toàn cầu giữa Đông và Tây.
Phản ứng của nhà đầu tư thể hiện sự lo sợ: sau thông tin ban đầu về đạo luật an ninh mới, chỉ số Hang Seng Index (HSI) của Hồng Kông đã giảm hơn 5% vào thứ Sáu, mức giảm phần trăm tồi tệ nhất trong một ngày kể từ tháng 7 năm 2015.
"Hồng Kông ngày nay là một mô hình thương mại tự do, hệ thống quản trị mạnh mẽ, luồng thông tin tự do và hiệu quả cao", theo Robert Grief, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông, tuyên bố: "Không ai thực sự giành chiến thắng nếu nền tảng cho vai trò trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế hàng đầu của Hồng Kông bị tổn hại."
Một thành phố ổn định để kinh doanh
Thể chế đặc biệt khác biệt hẳn so với các thành phố khác của Trung Quốc đại lục như Thượng Hải hay Thâm Quyến đã tạo điều kiện lớn cho các công ty nước ngoài. Không chỉ vậy, các công ty Trung Quốc sử dụng thành phố này làm nơi để huy động vốn và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, hoặc làm bệ phóng cho việc mở rộng ra nước ngoài.
Trong khi niềm tin vào thành phố đã bị lung lay trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm ngoái, hầu hết các công ty cuối cùng đã lựa chọn không rời bỏ Hồng Kông. Và sàn giao dịch chứng khoán của thành phố đã có một năm kỳ tích - Hồng Kông trở thành địa điểm hàng đầu thế giới về các thương vụ IPO, đánh bại các đối thủ là New York và London.
Mặc dù vậy, vị thế của Hồng Kông như là một điểm đến kinh doanh toàn cầu chưa bao giờ thật sự ổn định sau khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Các giám đốc điều hành hàng đầu tại hãng hàng không đầu tàu, Cathay Pacific, đã từ chức vào mùa hè năm ngoái sau khi hãng này bị cuốn vào cuộc tranh luận liên quan đến các cuộc biểu tình khiến Bắc Kinh tức giận. Tỷ phú giàu nhất của thành phố, Lý Gia Thành, đã kêu gọi sự bình tĩnh khi các cuộc biểu tình kéo dài vào nửa cuối năm.
"Con đường dẫn đến địa ngục thường được lát bằng những ý định tưởng như rất tốt đẹp", ông Lý nói. "Chúng ta cần lưu tâm đến những hậu quả không lường trước được."
Cuối năm ngoái, thành phố đã vướng vào sự căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Washington thông qua đạo luật hỗ trợ người biểu tình. Luật này đã liên kết tình trạng thương mại đặc biệt của Hồng Kông và Mỹ với đánh giá hàng năm về quyền tự chủ của thành phố này.
Trong bối cảnh gần 740 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ được giao dịch trong năm 2018 giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Hồng Kông chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Mỹ chỉ nhập gần 17 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Hồng Kông vào năm 2018, trong khi xuất khẩu 50 tỷ USD. Nhưng những con số đó không nói lên toàn bộ câu chuyện về mối quan hệ Mỹ-Hồng Kông và vị thế đặc biệt mà đã mang đến cho thành phố nhiều hơn cả những đặc quyền về thương mại.
"Có một chút hiểu nhầm ở đây, bởi vì Mỹ coi giao dịch thương mại đi qua Hồng Kông đến Trung Quốc là thương mại với Trung Quốc", William Reinsch, Chủ tịch Scholl về Kinh doanh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, cho biết. "Cho dù như vậy, tôi nghĩ rằng vấn đề thực sự không nằm ở số lượng giao dịch thực tế, mà quan trọng hơn là tín hiệu cho sự không tin cậy khi giao thương với Hồng Kông."
Một sự phát triển nghiêm túc
Theo các nhà phân tích tại Citi, hơn 1.300 công ty Mỹ hoạt động trong thành phố, và mối đe dọa từ việc thu hồi vị thế đặc biệt của Hồng Kông với Mỹ "có thể ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh".
"Vẫn còn phải xem liệu Mỹ có thu hồi vị thế này ngay lập tức hay không. Các nhà kinh tế của chúng tôi đã tranh luận về khả năng vị thế của Hồng Kông có được đảm bảo trong thời gian tới, bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích đáng kể trong việc duy trì tình trạng này."
Tuy nhiên, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng trở lại trong thời gian gần đây khi cả hai tìm cách đổ lỗi cho nhau về đại dịch corona. Ví dụ, chính quyền Trump tuần trước, đã hạn chế công ty công nghệ Trung Quốc Huawei làm việc với các công ty Mỹ. Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách đưa các công ty của Mỹ vào danh sách đen.
Các nhà lập pháp Mỹ, các cơ quan chính phủ và sàn giao dịch chứng khoán gần đây cũng đã từng bước hạn chế việc Bắc Kinh tiếp cận thị trường vốn rộng lớn của Mỹ. Bộ Ngoại giao hiện đang yêu cầu các nhà báo Mỹ làm việc cho truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ cung cấp thông tin cá nhân, bao gồm thông tin chi tiết về vợ hoặc chồng, con cái của họ và bất kỳ ai khác mà họ sống cùng.
Các công ty kinh doanh tại Hồng Kông cũng lo ngại về việc luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh có thể có ý nghĩa gì đối với những người làm việc trong thành phố và liệu nó có làm giảm khả năng thu hút lao động nước ngoài hay không.