Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan I.G.Aliyev, Thủ tướng Cộng hòa Armenia N.V. Pashinyan và Tổng thống Liên bang Nga Putin đã ký 1 tuyên bố 9 điểm vào đêm qua về giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh.
Tuyên bố này của 3 nhà lãnh đạo đề cập đến việc ngừng bắn hoàn toàn và chấm dứt tất cả các hành động thù địch trong khu vực xảy ra xung đột Nagorno-Karabakh từ 0h (giờ Moscow) ngày 10/11.
Theo đó, vùng Aghdam được trao trả cho Cộng hòa Azerbaijan trước ngày 20/11/2020. Cộng hòa Armenia sẽ trả lại vùng Kelbajar cho Cộng hòa Azerbaijan vào ngày 15/11/2020 và vùng Lachin vào ngày 1/12/2020.
Hành lang Lachin (rộng 5 km), đảm bảo kết nối Nagorno-Karabakh với Armenia, đồng thời không ảnh hưởng đến thành phố Shusha, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên bang Nga.
Dọc tuyến liên lạc ở Nagorno-Karabakh và dọc theo hành lang Lachin là một đội quân gìn giữ hòa bình của Liên bang Nga với 1.960 quân nhân được bị vũ khí nhỏ, 90 tàu chở quân bọc thép, 380 đơn vị ô tô và thiết bị đặc biệt.
Trong tuyên bố nêu rõ, việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên bang Nga diễn ra song song với việc rút các lực lượng vũ trang Armenia. Thời hạn ở lại của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên bang Nga là 5 năm và tự động gia hạn trong 5 năm tiếp theo, nếu không bên nào tuyên bố trong 6 tháng trước khi hết thời hạn có ý định chấm dứt áp dụng điều khoản này.
Để tăng hiệu quả kiểm soát việc thực hiện các thỏa thuận của các bên xung đột, một trung tâm gìn giữ hòa bình đang được triển khai để kiểm soát lệnh ngừng bắn.
Theo thỏa thuận của các bên, trong 3 năm tới, kế hoạch xây dựng một tuyến đường mới dọc theo hành lang Lachin sẽ được xác định, cung cấp thông tin liên lạc giữa Nagorno-Karabakh và Armenia, với việc tái triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga để bảo vệ tuyến đường này.
Cộng hòa Azerbaijan đảm bảo an toàn giao thông dọc hành lang Lachin của công dân, phương tiện và hàng hóa trên cả hai hướng.
Những người di tản trong nước và những người tị nạn đang trở lại lãnh thổ Nagorno-Karabakh và các khu vực lân cận dưới sự kiểm soát của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn. Song song với đó, việc tiến hành trao đổi tù binh chiến tranh, con tin, những người bị giam giữ khác và thi thể của những người đã thiệt mạng cũng sẽ diễn ra.
Cuối cùng, trong tuyên bố nhấn mạnh, tất cả các liên kết kinh tế và giao thông trong khu vực đều không bị phong tỏa. Cộng hòa Armenia đảm bảo an toàn cho các liên kết giao thông giữa các khu vực phía tây của Cộng hòa Azerbaijan và Cộng hòa tự trị Nakhichevan nhằm tổ chức sự di chuyển không bị cản trở của công dân, phương tiện và hàng hóa theo cả hai hướng.
Việc kiểm soát vận chuyển được thực hiện bởi các cơ quan của Cục Biên phòng thuộc FSB của Nga. Theo thỏa thuận của các bên, việc xây dựng các tuyến giao thông vận tải mới nối Cộng hòa tự trị Nakhichevan với miền tây sẽ được đảm bảo
Văn bản được ký vào đêm 10/11 là nỗ lực thứ tư nhằm đạt được một biện pháp giảm leo thang bền vững sau khi các thỏa thuận được ký kết ba lần trước đó đều không thành công.
Người đứng đầu ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky tin tưởng rằng, “việc các nhà lãnh đạo Nga, Azerbaijan và Armenia ký một thỏa thuận về chấm dứt các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh và triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ góp phần giải quyết rốt ráo cuộc đối đầu Armenia-Azerbaijan.
Nga lại đóng vai trò là nhà hòa giải hiệu quả trong việc giải quyết một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong không gian hậu Xô viết.” Theo lời ông, thỏa thuận đạt được mang lại hy vọng rằng "hòa bình cuối cùng sẽ đến với Nagorno-Karabakh”.
Trên bình diện quốc hội, Duma quốc gia Nga sẵn sàng tiếp tục thực hiện mọi nỗ lực hòa giải cần thiết để cuối cùng ổn định tình hình xung quanh Nagorno-Karabakh./.