Các tỉnh, thành tại Trung Quốc đã chứng kiến mức thâm hụt ngân sách khoảng 1.000 tỷ USD
Đây là thời điểm khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh khi nền kinh tế nước này chao đảo trước rủi ro suy thoái toàn cầu, chi phí hàng hóa tăng cao, căng thẳng địa chính trị gia tăng và các đợt phong tỏa trên diện rộng do COVID-19.
Các địa phương ở Trung Quốc từ lâu đã là “bàn đạp” cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia này, nhưng doanh thu từ ngành bất động sản đã sụt giảm mạnh, đã làm xói mòn nghiêm trọng sức mạnh tài chính của các địa phương.
Các chính quyền địa phương cũng phải thực hiện thanh toán nợ trong những tháng tới, làm tăng thêm khó khăn về tài chính và hạn chế khả năng đáp ứng các yêu cầu thúc đẩy chi tiêu của Bắc Kinh.
Trong 8 tháng đầu năm nay, 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc đã báo cáo mức thâm hụt ngân sách lên tới 6,74 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 948 tỷ USD). Đó là mức thâm hụt lớn nhất kể từ năm 2012. Theo tính toán của Reuters, các tỉnh đông dân, như Tứ Xuyên, Hà Nam, Hồ Nam và Quảng Đông chịu mức thâm hụt ngân sách lớn nhất.
Trong cùng thời gian, nguồn thu từ bán đất công đã giảm 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 3,37 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng thêm tính cấp thiết khôi phục thị trường bất động sản của nước này.
Một cây cầu đang được xây dựng tại tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Reuters.
Ông Jennifer A. Wong, chuyên gia phân tích tại Moody's, cho biết: "Với tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong năm nay, chúng tôi dự đoán tình trạng thâm hụt ngân sách đối với các chính quyền địa phương ở Trung Quốc sẽ vẫn ở mức cao". Chuyên gia này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc sẽ giảm từ 8,1% năm 2021 xuống 3,5%.
Trong quá khứ, phần lớn mức thâm hụt ngân sách của các địa phương ở Trung Quốc sẽ được bù đắp bởi các khoản hỗ trợ từ chính phủ và các khoản ngân sách còn tồn đọng từ những năm trước, nhưng các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt có thể hạn chế bất kỳ sự hỗ trợ nào như vậy.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng sẽ thận trọng với các biện pháp nới lỏng tiền tệ quy mô lớn khi làn sóng tăng lãi suất toàn cầu nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, gia tăng chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các khoản nợ liên quan đến công cụ tài chính đặc biệt (LGFV) của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng sẽ đáo hạn trong năm tới. Do đó, năm nay và năm 2023 sẽ là khoảng thời gian căng thẳng nhất cho chính quyền các địa phương ở Trung Quốc. Theo báo cáo của Moody's, khoảng 380 tỷ nhân dân tệ trái phiếu LGFV sẽ đáo hạn trong 12 tháng tới.
Hơn nữa, chi tiêu bổ sung để ngăn chặn sự bùng phát COVID-19 cũng đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tài chính của chính quyền địa phương tại Trung Quốc. Với những áp lực về tài chính, các tỉnh Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Chiết Giang cũng như chính quyền thành phố Thiên Tân cho biết họ đều đã cắt giảm ngân sách đầu tư cho các cơ quan chính phủ trong những tháng gần đây.
Ông Nie Wen, Chuyên gia kinh tế tại Hwabao Trust tại Thượng Hải, cho biết những thách thức như trên, cùng với xuất khẩu suy yếu, sự “chông chênh” phục hồi tiêu dùng và những bất ổn bên ngoài, bao gồm cả cuộc xung đột tại Ukraine, sẽ tạo thêm áp lực lên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc để củng cố nền kinh tế vào năm 2023.