PCT Hội Truyền nhiễm: Bộ Y tế ứng phó rất nhanh với dịch viêm phổi cấp nCov, người dân không nên quá lo

Ngọc Anh |

BS CK II, Ths Nguyễn Hồng Hà - PCT Hội Truyền nhiễm VN cho biết, Bộ Y tế đã ứng phó rất nhanh với dịch nCov. Người dân không nên quá lo lắng, chỉ cần chủ động phòng chống dịch tốt.

Bộ Y tế đã ứng phó rất nhanh, người dân không nên quá lo

Thông tin dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona (nCov) có nguy cơ lan rộng ra ngoài phạm vi Trung Quốc, nhất là vào dịp Tết nhu cầu di chuyển, đi lại rất lớn khiến cho người dân vô cùng hoang mang.

Đến ngày 23/1, có hai trường hợp dương tính với nCov đã điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Điều đặc biệt, hai bệnh nhân này người Trung Quốc đến từ Vũ Hán và đã có chuyến chu du từ Hà Nội vào Nha Trang và xuống Long An từ ngày 13/1. Điều này khiến nhiều người lo lắng những người mang vi rút từ khi ủ bệnh đã truyền sang cho cộng đồng.

Thạc sĩ Hà cho biết, qua  theo dõi thông tin thì Bộ Y tế đã ứng phó rất nhanh với dịch nCov. Người dân không nên quá lo lắng về dịch này chỉ cần chủ động phòng chống dịch tốt. Cách duy nhất người dân nên thực hiện đó là đeo khẩu trang khi đến những chỗ đông người, khẩu trang y tế và thường xuyên súc họng, nhỏ mắt với nước muối sinh lý.

PCT Hội Truyền nhiễm: Bộ Y tế ứng phó rất nhanh với dịch viêm phổi cấp nCov, người dân không nên quá lo - Ảnh 1.

Các bệnh viện chủ động ứng phó với dịch nCov

So với dịch SASR 17 năm trước, thạc sĩ Hà cho rằng công tác phòng chống dịch hiện nay tốt hơn rất nhiều. Các bệnh viện sẵn sàng công tác tiếp nhận và điều trị bệnh nhân.

Kinh nghiệm từ chiến dịch phòng chống dịch SARS:

Khi dịch SARS vào Việt Nam chúng ta bị động, dịch diễn ra nhanh. Bệnh viện Việt Pháp ghi nhận ca đầu tiên bệnh nhân đến từ Hồng Kông sau đó dịch lan rộng đặc biệt trong chính bệnh viện. Bệnh viện Việt Pháp đưa ra chiến dịch nội bất xuất, ngoại bất nhập, đóng cửa kín mít.

Nhưng khi chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thì chiến lược điều trị khác hoàn toàn. Bệnh viện Nhiệt đới trung ương không yêu cầu bác sĩ nội trú trong bệnh viện. Mọi người làm hết ca đều khử trùng và đi về nhà.

Bệnh viện cho mở hết các cửa sổ để không khí và gió từ bên ngoài ùa vào giúp phòng bệnh thoáng hơn. Và 15 ngày các nhân viên y tế tham gia vào dịch SARS không ai nhiễm bệnh. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên khống chế dịch SARS.

Đối với dịch nCov, Thạc sĩ Hà cho rằng việc phòng chống dịch chủ yếu dựa vào cộng đồng, 1 mình ngành y sẽ không thể làm hết việc, nhất là trong điều kiện nhu cầu di chuyển nhiều như hiện nay. 

PCT Hội Truyền nhiễm: Bộ Y tế ứng phó rất nhanh với dịch viêm phổi cấp nCov, người dân không nên quá lo - Ảnh 3.

Người dân nên chủ động phòng chống dịch nCov

Bệnh lây chậm hơn cúm

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết không nên quá lo lắng trước tình hình dịch nCov. Về bản chất, vi rút Corona lây chậm hơn cúm mùa H1N1 mà chúng ta đang mắc phải hiện nay. 

Trước thông tin về lịch trình di chuyển của 2 bệnh nhân dương tính với nCov đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Khanh cũng cho rằng vi rút này chỉ lây lan khi phát tác còn thời gian ủ bệnh không lây.

nCov sẽ yếu khi nhiệt độ cao trên 20 độ C và độ ẩm cao. Nếu thông khí tốt thì khó lây lan hơn. Khi tụ tập nơi đông người nên đeo khẩu trang phẫu thuật 3 lớp. Mở cửa cho thông thoáng nhà cửa và rửa tay thường xuyên. Có thể để nhiệt độ phòng khoảng 25 độ C.

Những ngày Tết, bác sĩ Khanh cho biết những người già, người có bệnh mãn tính, người mang thai, trẻ nhỏ nên hạn chế tối đa đến những nơi đông người. Hành động này không chỉ phòng được nCov mà còn phòng được cả các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là cúm.

Các dấu hiệu khi nhiễm nCov

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới nhất của Bộ Y tế ban hành, những người nhiễm nCoV có các triệu chứng cấp tính như: ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có những biểu hiện như: sốt, viêm phổi, viêm phổi kẽ, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng/căn nguyên khác...

Những người sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do nCov mới nếu nhiễm virus có thể ủ bệnh trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng.

Chính vì thế, khi có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở nên đến các cơ sở y tế điều trị, không nên điều trị tại cộng đồng. 

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).

Các ca bệnh hoặc nghi ngờ đều phải được khám và điều trị cách ly tại bệnh viện. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại