ĐBQH đã biểu quyết riêng rẽ 2 điều trước khi thông qua Luật An ninh mạng

PV |

Trong đó điều 26 quy định các doanh nghiệp kinh doanh mạng nước ngoài như Google, Facebook... phải đặt chi nhánh, văn phòng tại Việt Nam.

Với 86,86% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật An ninh mạng.

Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trước khi biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng vào sáng nay (12/6), các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết hai điều 10 và 26.

Điều 10 có 458 đại biểu tham gia (chiếm 94,05%), số đại biểu tán thành là 423 (chiếm 86,86%), có 20 đại biểu không tán thành và 15 đại biểu không biểu quyết (3,08%).

Điều 26 có 463 đại biểu tham gia (chiếm 95,07%), với 398 đại biểu tán thành (chiếm 81,72%), số không tán thành là 41 đại biểu (chiếm 8,42%) và 24 đại biểu không biểu quyết (chiếm 4,93%).

ĐBQH đã biểu quyết riêng rẽ 2 điều trước khi thông qua Luật An ninh mạng - Ảnh 1.

86,86% tổng số đại biểu tán thành thông qua Luật An ninh mạng.

Điều 26 - Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng

Điều 26 quy định doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung như nêu trên khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin truyền thông.

Một số ý kiến còn băn khoăn với quy định doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, vì cho rằng quy định này không bảo đảm tính khả thi, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt chỉ rõ, các Hiệp định cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh.

Do đó, việc áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong Luật này là rất cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia.

Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia.

Hiện nay, GoogleFacebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singapore.

Nếu quy định của Luật này có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán (máy chủ ảo) về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Điều 10 - Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia

Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm:

a) Hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu.

b) Hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước.

c) Hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng.

d) Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái.

đ) Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia.

e) Hệ thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở trung ương.

g) Hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí.

h) Hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.

Tổng hợp theo nguồn Vietnam+/Tuổi trẻ/PL.TPHCM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại