Các Đặc khu Kinh tế biến Đông Phi trở thành thiên đường đầu tư mới

Hà Linh |

Các Đặc khu Kinh tế, thị trường đông dân, chi phí nhân công rẻ... là những yếu tố khiến các quốc gia Đông Phi ngày càng "hấp dẫn" hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Khi giá hàng hóa toàn cầu giảm trong năm 2016, hai nền kinh tế lớn nhất châu Phi là Nigeria và Nam Phi đều có mức tăng trưởng dưới 2%. Trong khi đó, những nền kinh tế đang phát triển ở Đông Phi như Ethiopia, Kenya, Tanzania và Rwanda đều “tận hưởng” mức tăng trưởng ít nhất là 5% kể từ 2016.

Tại Lục địa Đen, các quốc gia Đông Phi đang dần trở thành lựa chọn thay thế hợp lý của các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn lớn tới từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sự trỗi dậy của Đông Phi

Trang mạng africa.com ngày 18/6 có bài viết với nội dung các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng đã đầu tư ngày càng tăng vào các quốc gia Đông Phi, đặc biệt là Ethiopia, Kenya, Uganda và Tanzania. Những nhà đầu tư này rất ấn tượng với tình hình phát triển kinh tế tích cực của Đông Phi, kèm theo ổn định về an ninh-chính trị và môi trường hành chính cải thiện cùng thị trường “khủng” hơn 120 triệu dân.

Tập đoàn Coca-Cola mới đây tuyên bố sẽ mạnh tay đầu tư thêm 100 triệu USD vào Kenya trong vòng 5 năm tới để phát triển cơ sở hạ tầng và “cho ra lò” những sản phẩm mới. Trước đó, trong tháng 5, Coca-Cola châu Phi đã khởi động dòng sản phẩm nước uống hoa quả trị giá 69 triệu USD tại một nhà máy ở Nairobi (Kenya).

Coca-Cola đã có bước đi chiến lược để chuyển dịch đến thị trường các quốc gia Đông Phi từ việc mua lại công ty nước đóng chai Equator tại Kenya trong năm 2017.

Giám đốc điều hành của công ty nước đóng chai Equator, ông Daryl Wilson, đánh giá: “Với dân số hơn 45 triệu người, 72% trong số này dưới 30 tuổi, và tốc độ đô thị hóa nhanh, Kenya đang có nhiều cơ hội cho phát triển và đầu tư”.

Thiên đường công xưởng

Đông Phi hiện vẫn giữ vai trò khu vực phát triển nhanh chóng nhất tại châu Phi, với tốc độ tăng trường 5,6% trong năm 2017, tăng so với mức 4,9% của năm 2016. Tăng trưởng dự kiến tiếp tục tăng lên 5,9% trong năm 2018 và 6,1% trong năm 2019.

Tình trạng tăng trưởng mạnh mẽ hiện lan rộng tại Đông Phi với nhiều quốc gia như Djibouti, Ethiopia, Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda giữ ổn định tốc độ 5% hoặc cao hơn.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Phi, lĩnh vực công nghiệp đóng góp khoảng 39% tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) thực tế trung bình của khu vực Đông Phi trong năm 2017.

Các Đặc khu Kinh tế biến Đông Phi trở thành thiên đường đầu tư mới  - Ảnh 1.

Thị trường đông dân tại các quốc gia Đông Phi cũng là yếu tố thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: Reuters

Các nhà sản xuất điện tử, trong đó có Samsung (Hàn Quốc), cũng hào hứng muốn dựng nhà máy tại Kenya. Samsung đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp tivi, máy tính xách tay, máy in… để phục vụ cho thị trường Đông và Trung Phi.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã tạm dừng trong tháng 1 với lý do đưa ra là Chính phủ Kenya không thể đặt ra chế tài bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi nguồn linh kiện điện tử nhập khẩu có mức giá thành rẻ.

Trong tháng 5, hãng Bloomberg (Mỹ) đưa tin Tập đoàn Nissan dự kiến khởi động dự án lắp ráp ô tô tại Kenya, động thái nhằm ủng hộ kế hoạch của Chính phủ Kenya biến quốc gia này thành trung tâm sản xuất xe hơi của khu vực. Chỉ trong vòng 18 tháng gần đây, nhiều hãng xe hơi cũng công bố kế hoạch tương tự như Volkswagen và PSA Peugeot…

Trong năm 2017, Ethiopia ghi dấu tăng trưởng sản xuất ở mức kỷ lục 8,1%, đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Mặc dù trong nhiều năm Ethiopia tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp nhưng quốc gia này đã để tâm “vun đắp” cho ngành công nghiệp, đặc biệt là may mặc và sợi dệt.

Tính trong năm 2016, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ethiopia đã tăng 46% lên 3,2 tỷ USD, nhờ động lực từ đầu tư trong sản xuất và cơ sở hạ tầng.

Các Đặc khu Kinh tế biến Đông Phi trở thành thiên đường đầu tư mới  - Ảnh 2.

Một nhà máy sản xuất vải sợi tại Ethiopia. Ảnh: Reuters

“Ông lớn” thời trang Mỹ PVH (sở hữu các nhãn hiệu hàng đầu như Calvin Klein, Tommy Hilfiger) cùng công ty Velocity Apparel (trụ sở tại Dubai) và tập đoàn Trung Quốc Jiangsu Sunshine (vốn hợp tác với Giorgio Armani và Hugo Boss) đều không giấu ý tưởng dựng nhà máy tại Ethiopia.

Trong thập niên vừa qua, nhiều công ty còn chuyển nhà máy sản xuất của họ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ tới Ethiopia. Các công ty Mỹ và châu Âu cũng tích cực đầu tư vào Đông Phi.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn thông tin từ Ủy ban Đầu tư Ethiopia cho biết đầu tư nước ngoài vào công nghiệp vải sợi tại quốc gia này đã tăng từ 166,5 triệu USD thời kỳ 2013-2014 lên 36,8 tỷ USD trong 2016-2017.

Các nhà đầu tư Saudi Arabia hiện còn vận hành hơn 200 dự án đầu tư tại Ethiopia với số vốn là 18,3 tỷ USD.

Diễn biến tích cực tại Ethiopia cũng tạo điều kiện không nhỏ cho Djibouti. Các cảng biển tại Djibouti là “cửa ngõ” chính của khu vực này.

Nguồn động lực đầu tư

Làn sóng đầu tư vào Đông Phi nhận động lực từ tình trạng tiêu thụ tại đây. Theo Ngân hàng phát triển châu Phi, mức tiêu thụ tại Ethiopia đã đóng góp cho 88% GDP tại Kenya và 80% tại Ethiopia.

Một yếu tố quan trọng là tác động của chính phủ với cơ sở hạ tầng, giao thông và chính sách ưu đãi. Một ví dụ điển hình là việc Ethiopia đã đầu tư mạnh vào các Đặc khu Kinh tế.

Theo trang africa.com, các Đặc khu Kinh tế và Khu Công nghiệp đã giúp các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp khởi động dây chuyền sản xuất trong khoảng thời gian chỉ 2-3 tháng mà không cần phải quá bận tâm đến nguồn nước, điện và các cơ sở hạ tầng khác.

Các Đặc khu Kinh tế biến Đông Phi trở thành thiên đường đầu tư mới  - Ảnh 3.

Người lao động tại một đồi chè ở Kenya. Ảnh: Reuters

Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) cho biết mức chi phí lao động tại Ethiopia còn thấp hơn của Ấn Độ và tương đương Bangladesh. Kenya và Tanzania cũng được coi là những quốc gia có mức lương thấp, nhưng chưa thể so bì với Ethiopia.

Với chi phí nhân công “hấp dẫn” như vậy, các quốc gia Đông Phi đang ngày càng trở thành “mật ngọt” với những công ty sản xuất lớn.Ngoài ra, những quốc gia như Kenya, Ethiopia và Tanzania lại gặt hái được nhiều lợi thế từ chi phí nhân công giá rẻ.

Thách thức

Nhiều thách thức kinh doanh vẫn tồn tại ở các quốc gia Đông Phi như cơ sở hạ tầng không cân bằng, các cửa hải quan cồng kềnh, thiếu nhân lực lành nghề và quản lý…

Đơn cử như kinh tế Kenya sở hữu môi trường kinh doanh hấp dẫn nhưng những con đường nông thôn xấu thường ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển phân phối sản phẩm.

Một chướng ngại khác là mạng lưới điện. Nhiều công ty sản xuất tại Ethiopia và Kenya buộc phải dựa vào máy phát với chi phí đắt đỏ vì lưới điện không ổn định tại các quốc gia này.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng băn khoăn về bất ổn chính trị một số nước như Somalia và Sudan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại