Công nhân thi công cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên bảo đảm khoảng cách tối thiểu theo quy định. Ảnh: Tuấn Khải
Rộn rã trên những công trình
Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (đường Vành đai 2,5) đang được chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội và các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ông Mai Hùng Mạnh, Tư vấn trưởng Dự án xây dựng cầu vượt Nguyễn Văn Huyên cho biết, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, song các đơn vị tham gia dự án đã có những biện pháp thi công khoa học nhằm vừa bảo đảm tiến độ, vừa đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch. Các nhà thầu bố trí lực lượng chia thành nhiều tổ, đội thi công thay phiên làm việc không vượt quá 10 người/ca, bảo đảm công trường không nghỉ hoặc bị gián đoạn kéo dài. Toàn bộ nhân lực trên công trường đều tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, bảo đảm cự ly giãn cách trong quá trình làm việc…
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, công trường có khoảng hơn 60 kỹ sư, công nhân tham gia trực tiếp trên nhiều hạng mục. Phía tuyến đường số 1, nhà thầu đã lắp đặt xong hai nhịp T3 và T4, hoàn thành tường chắn đường đầu cầu và lắp đặt hệ thống chiếu sáng… Phía đường Nguyễn Văn Huyên, nhà thầu đã hoàn thành khoan cọc nhồi mố M1, trụ T1 và đang thi công cọc khoan nhồi trụ T2… Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu 12 cho biết: “Có mặt bằng đến đâu, nhà thầu tập trung thi công ngay đến đó. Đến thời điểm này, khối lượng thi công đạt khoảng 70%”.
Khẩn trương thi công, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cũng là không khí tại công trường xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối lên đường Vành đai 3. Chỉ sau khoảng 6 tháng thi công, công trình đã dần rõ hình hài với những mố, trụ vươn lên khỏi mặt hồ... Chỉ huy trưởng công trường Lê Tuấn Anh cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến quá trình nhập khẩu nguyên vật liệu, huy động nhân lực gặp nhiều khó khăn. Song, các nhà thầu đã nỗ lực khắc phục để đẩy nhanh tiến độ. Đến thời điểm này, kết cấu phần dưới cơ bản đã xong, còn hai trụ, mố dự kiến tới ngày 25-5 sẽ hoàn thành và triển khai kết cấu phần trên. Hiện, trên công trường có khoảng 150 người, thi công 3 ca liên tục song vẫn bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Công nhân Nguyễn Văn Tuấn (Công ty cổ phần Cầu đường Long Biên) chia sẻ: “Công trường phải tập trung thi công trong mùa dịch nên không tránh khỏi những khó khăn. Tuy nhiên, chủ đầu tư và công ty đã có những giải pháp để vừa động viên, vừa bảo đảm an toàn cho kỹ sư, công nhân trên công trường nên anh em rất yên tâm lao động. Ngày 30-4 và 1-5 là dịp nghỉ lễ song chúng tôi vẫn sẽ bám công trường”.
Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư
Đó chỉ là hai trong số những công trình giao thông trọng điểm đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tập trung triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội. Trong năm 2020, Ban được giao kế hoạch giải ngân 1.395,3 tỷ đồng cho tổng số 58 dự án, trong đó có 32 dự án chuyển tiếp và 26 dự án khởi công mới. Đến nay, Ban đã giải ngân được 181,8/1.395,3 tỷ đồng (đạt 13%).
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, để tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư, Ban đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu tăng cường nhân lực, phương tiện, tăng ca đối với các dự án đang triển khai, có mặt bằng đến đâu thi công ngay đến đó. Đồng thời đề nghị UBND thành phố và các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các dự án còn lại. Với các dự án mới, Ban sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai theo hướng đồng bộ, tăng tốc độ chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đấu thầu để sớm khởi công… theo kế hoạch của thành phố là trước ngày 30-9.
Ông Lê Tuấn Anh thông tin thêm, nguồn vốn thành phố bố trí cho Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối lên đường Vành đai 3 đã đầy đủ và kịp thời. Để tăng tiến độ thi công, ngoài triển khai đúc dầm và các cấu kiện bê tông ở nhà máy, nhà thầu đã tăng cường 2 bãi đúc để tiết kiệm thời gian vận chuyển dầm đến công trường. Dự kiến, liên danh nhà thầu sẽ hoàn thành đúc dầm và lao lắp dầm trong tháng 6-2020 và quyết tâm hoàn thành công trình đúng vào ngày 10-10 tới, để thiết thực chào mừng 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Cũng khẳng định quyết tâm sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ vào dịp Quốc khánh 2-9 tới, góp phần hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung và giải quyết triệt để một trong những điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên địa bàn Thủ đô, ông Phạm Văn Hiệp bày tỏ mong muốn sớm được quận Cầu Giấy bàn giao mặt bằng đối với phần diện tích còn lại phía đầu đường Nguyễn Văn Huyên. “Toàn bộ nhân lực trên công trường sẽ thi công liên tục cả trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Phần diện tích còn vướng mắc này chỉ khoảng 350m2 song đây lại là “nút thắt” của dự án, nên nếu không sớm có mặt bằng thì khó có thể “về đích” đúng tiến độ”, ông Phạm Văn Hiệp thông tin.