Tại Mỹ, một khảo sát đã được tiến hành trên 2.000 người (trong đó có 1.500 người đang mắc nợ) về những dịch vụ hay sản phẩm mà họ không dám hy sinh trong vòng 1 năm để có thể giải quyết nợ nần. 52% số người được hỏi cho biết họ sẽ không bao giờ từ bỏ điện thoại. 49% nói rằng họ không thể bỏ xe hơi và 34% sẽ không bỏ thói quen đi ăn ngoài.
Theo khảo sát này, 30% số người tham gia muốn giữ nguyên các dịch vụ trực tuyến. 28% trong số họ sẽ không từ bỏ các chuyến du lịch trong vòng 12 tháng, kể cả khi điều đó giúp họ trả hết 100% số nợ.
Tuy nhiên, nếu ưu tiên hàng đầu của bạn là trả hết nợ, bạn nên suy nghĩ kỹ về những thứ mà mình sẵn lòng từ bỏ để hoàn thành mục tiêu. "Mọi người nên suy nghĩ về tương lai lâu dài", Douglas Boneparth - chủ tịch và người sáng lập quỹ Bone Fide Wealth - đưa ra lời khuyên. "Đây là một cuộc thi marathone mà bạn chỉ có thể chiến thắng bằng kỷ luật và lòng kiên trì".
Dưới đây là 5 thứ mà bạn nên cắt giảm để có tiền trả các loại hóa đơn và tránh khỏi cảnh nợ nần trong năm 2023.
Liên tục ăn uống bên ngoài
Ảnh: Internet
Mặc dù có tới 34% số người được hỏi nói rằng họ sẽ không từ bỏ những bữa ăn bên ngoài để có thể trả hết nợ, các chuyên gia tài chính đều khuyên họ nên suy nghĩ lại. Bởi lẽ, thói quen ăn uống bên ngoài có thể tốn của bạn rất nhiều tiền.
Số tiền bạn dùng để ăn sáng và ăn trưa mỗi ngày trông có vẻ chẳng đáng là bao, nhưng nếu bạn cộng lại tất cả sau 1 năm, đó là một khoản khổng lồ. "Nếu mang theo đồ ăn trưa và cắt giảm chi tiêu xuống một nửa, bạn sẽ tiết kiệm được một nửa số tiền mỗi năm", Ryan Marshall - chuyên gia hoạch định tài chính tại Ela Financial Group - phân tích.
Đối với những người thường xuyên đi ăn ngoài vào các tối và cuối tuần, Marshall cho biết thói quen này sẽ chỉ khiến tình hình tài chính của họ thêm tồi tệ.
Phí dịch vụ hàng tháng
Ảnh: Internet
Nói đến chuyện tiết kiệm tiền, cách tốt nhất để bắt đầu là đánh giá lại các khoản phí duy trì dịch vụ hàng tháng mà bạn đang có trong cùng một thời điểm.
"Sự thật là các khoản phí hàng tháng này cần được xem xét. Lần cuối bạn xem chúng cẩn thận là bao giờ?", Priya Malani - người sáng lập và CEO của quỹ Stash Wealth - nêu vấn đề.
Các dịch vụ như phí thành viên tại phòng gym, truyền hình cáp, dịch vụ trực tuyến có thể "ngốn" của bạn một số tiền khổng lồ. Bạn sẽ không nhận ra điều đó cho tới khi tổng kết tài chính vào cuối năm. Chẳng hạn, để duy trì tài khoản Netflix, bạn phải bỏ ra khoảng 300.000 VND/tháng. Như vậy, trong 1 năm, riêng khoản tiền này đã tốn của bạn hơn 3,6 triệu VND/năm.
Nếu cảm thấy mình không thể từ bỏ những dịch vụ này, hãy tìm kiếm những giải pháp thay thế dễ dàng thực hiện hơn. Chia sẻ tài khoản Netflix với bạn bè, đăng ký thẻ thành viên gym theo ngày hoặc tháng thay vì ký hợp đồng cả năm sẽ giúp bạn giảm gánh nặng về mặt tài chính.
Mua theo lố
Ảnh: Internet
Mọi người thường nghĩ rằng mua đồ gia dụng theo lố sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều tiền, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thế.
Bởi lẽ, khi mua đồ với số lượng lớn, họ thường mua nhiều hơn số lượng mình cần để tiết kiệm. "Kiểu tiết kiệm ngắn hạn như vậy không phải lúc nào cũng có lợi", Malani cho biết. "Thay vì mua hộp pin 12 viên với giá 25 USD trong khi bạn chỉ cần 2 viên pin AA, hãy mua hộp 2 viên với giá 5 USD và dùng 20 USD còn lại để trả nợ. Đó là tư duy cần có".
Thay vì mua theo lố, trước tiên bạn nên suy nghĩ kỹ về số lượng sản phẩm mình cần. Nếu sắp sửa có sự kiện đông người, bạn hoàn toàn được phép mua 500 cái đĩa nhựa. Tuy nhiên, nếu chỉ tình cờ thấy một set 20 quả bơ với giá 3,99 USD, bạn không nhất thiết phải mua cả túi chỉ vì nó giảm nửa giá. Trong trường hợp bạn không ăn hết, bơ sẽ bị hỏng và số tiền bạn tiết kiệm được cũng trở nên lãng phí.
Hàng hiệu, sản phẩm danh tiếng
Ảnh: Internet
Dù đam mê hàng hiệu tới đâu, bạn cũng nên chọn các loại sản phẩm thông thường thay vì sản phẩm cao cấp mỗi khi mua thực phẩm, thuốc men, văn phòng phẩm, mỹ phẩm… nếu muốn tiết kiệm tiền.
Vì số tiền tiết kiệm được mỗi lần rải rác ở nhiều sản phẩm khác nhau, bạn rất dễ bỏ sót các khoản này khi kiểm tra tình hình tài chính của mình. Chuyên gia Malani khuyên bạn nên theo dõi số tiền tiết kiệm được theo thời gian. Nếu không, "bạn sẽ cảm thấy những thay đổi chẳng có nghĩa lý gì và tiếp tục mua hàng hiệu", Malani cảnh báo.
Tiêu tiền để "làm màu" trên mạng xã hội
Mọi người rất thích đăng tải về cuộc sống sang chảnh của mình trên mạng xã hội, từ nhà mới, xe sang cho đến những kỳ nghỉ đắt tiền ở vùng nhiệt đới. Điều đó khiến những người xung quanh cảm thấy áp lực và buộc phải bỏ tiền ra mua sắm cho bằng bạn bằng bè.
Trên thực tế, 90% người trẻ tham gia cuộc khảo sát năm 2018 của Allianz cho biết, "mạng xã hội khiến họ có xu hướng so sánh tài sản hoặc lối sống của mình với những người bạn đồng trang lứa".
Theo nhà hoạch định tài chính Samuel Deane, điều này có thể gây khó khăn cho những người đang cố gắng thoát nợ. "Tôi thấy rất nhiều người mắc nợ nhưng vẫn chi tiền mua xe sang hay đi du lịch chỉ để có được sự thỏa mãn trong chốc lát và cố gây ấn tượng với mọi người trên mạng xã hội".
Để không rơi vào tình huống trên, "bạn cần phải biết mục tiêu thực sự của mình, không phải mục tiêu bị chi phối bởi xã hội hay bạn bè", Deane giải thích.
Chi tiêu như thế nào thì hợp lý?
Tuy nhiên, bạn không phải hy sinh mọi thứ để có thể trả được hết nợ.
Muốn cắt giảm một cách hiệu quả, đầu tiên bạn nên "biết điều gì là quan trọng với mình nhất, ưu tiên và lên kế hoạch cho nó", Malani khuyên.
"Nếu bạn cảm thấy việc mua đồ hữu cơ có lợi cho sức khỏe hơn, cứ mua đi", Malani giải thích. "Vấn đề không phải là hy sinh mọi thứ, mà là hy sinh một số lĩnh vực cần thiết".
Một cách khác để bạn kiểm soát việc chi tiêu quá tay là ghi lại các chi phí trong vòng 1 tháng để kiểm tra sau đó. Nếu thấy có khoản chi tiêu nào không cần thiết, hãy bắt đầu từ đó.
"Bạn phải hiểu mình đang tiêu tiền cho cái gì trước thì bạn mới biết nên cắt chỗ nào và cắt cái gì", Boneparth kết luận.