Các chuỗi bán lẻ nội thất BAYA và Vua Nệm kể khổ chuyện đàm phán mặt bằng khi phải tạm đóng hàng loạt cửa hàng giữa mùa dịch

Bình An |

Sở hữu 56 cửa hàng với hợp đồng thuê từ 5 – 8 năm, Vua Nệm đã gửi công văn xin giảm chi phí thuê tháng 3 và miễn tiền thuê tháng 4 do phải tạm đóng cửa hàng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, có một số chủ nhà khó tính, phản hồi rất chậm, hoặc đe dọa lấy lại mặt bằng khi biết chi phí đầu tư bỏ ra cao, hoặc ép đóng tiền liền 2 tháng tiếp theo mới giảm giá, thậm chí không giảm giá nhưng vẫn bắt đóng phí dịch vụ dù cửa hàng đang phải đóng cửa...

Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, nhà hàng đang gặp phải không ít khó khăn mặc dù mỗi doanh nghiệp đều rất chủ động và sáng tạo trong việc thay đổi chiến lược, cách tiếp cận thị trường để ổn định doanh thu và phục hồi sau dịch.

CEO chuỗi bán lẻ Vua Nệm Hoàng Tuấn Anh chia sẻ, từ giữa tháng 3 do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty đã gửi văn bản cho tất cả các chủ mặt bằng về việc xin giảm chi phí thuê tháng 3 và miễn phí tiền thuê tháng 4 (do tạm đóng cửa theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Chuỗi Vua Nệm hiện có 56 cửa hàng. Những hợp đồng thuê của chuỗi này có thời hạn từ 60 - 96 tháng (tức thuê 5-8 năm) và công ty luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng trước đó.

 Các chuỗi bán lẻ nội thất BAYA và Vua Nệm kể khổ chuyện đàm phán mặt bằng khi phải tạm đóng hàng loạt cửa hàng giữa mùa dịch  - Ảnh 1.

CEO Vua Nệm Hoàng Tuấn Anh. Ảnh: Nguyễn Nguyễn.

Nhiều chủ nhà đã thấu hiểu và hợp tác hỗ trợ tiền nhà, giảm giá và cùng chia sẻ khó khăn với chuỗi. Song vẫn còn tồn tại một vài trường hợp vô cùng khó khăn, như mặt bằng có nhiều chủ không đồng quan điểm, mặt bằng thuê qua trung gian, mặt bằng chủ nhà khó tính, phản hồi rất chậm, hoặc đe dọa lấy lại mặt bằng (khi biết chi phí đầu tư đã bỏ ra cao), cũng như chủ nhà cố tình đưa ra nhiều điều kiện khó khăn như đóng tiền liền 2 tháng tiếp theo mới giảm giá, hoặc không giảm giá và vẫn phải đóng phí dịch vụ trong thời gian tạm đóng cửa...

Chúng tôi tin rằng dịch bệnh là bất khả kháng, đang được kiểm soát tốt và sẽ sớm kết thúc. Chúng tôi tin tưởng vào Chính Phủ và kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi. Đây chỉ là giai đoạn khó khăn này ngắn hạn và nếu các đối tác mặt bằng có thể đồng hành cùng chúng tôi, tất cả chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua và phát triển cùng nhau về lâu về dài”, CEO Vua Nệm chia sẻ.

Cùng chung ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, hệ thống siêu thị nội thất BAYA cũng gặp nhiều vấn đề khi thương lượng về vấn đề mặt bằng.

 Các chuỗi bán lẻ nội thất BAYA và Vua Nệm kể khổ chuyện đàm phán mặt bằng khi phải tạm đóng hàng loạt cửa hàng giữa mùa dịch  - Ảnh 2.

Ảnh: Bảo Bảo.

Đại diện BAYA cho biết: “Từ trong tháng 3, để chủ động phòng chống dịch bệnh, doanh nghiệp đã chủ động đóng cửa cửa hàng, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị cho thuê mặt bằng, đề nghị giảm 30% - 50% giá thuê mặt bằng trong các tháng tiếp theo. Sau đó, từ ngày 28/3 doanh nghiệp cũng gửi thư lần 2 và lần 3 tìm kiếm sự thông cảm và hỗ trợ từ các đối tác".

"Đáp lại, các yêu cầu từ phía đơn vị cho thuê cũng vô cùng khó khăn: công văn lên lãnh đạo, quy trình xem xét nhiêu khê, chỉ làm việc thông qua trung gian, từ chối làm việc trực tiếp cùng doanh nghiệp… Cho đến nay, đã có một số đơn vị phản hồi và đồng ý hỗ trợ, rất tích cực phản hồi và thảo luận các phương án cùng giảm thiểu thiệt hại cho đôi bên, với mong muốn cùng song hành và đối mặt khó khăn. Song, bên cạnh đó, vẫn có các đơn vị im lặng hoặc từ chối trao đổi, việc này gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp trong khi tình hình dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh…”.

Từ cấp độ vĩ mô, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà hàng, các chuỗi bán lẻ các mặt hàng không thiết yếu, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, Chính phủ có thể xem xét xác định (đưa vào nghị định về hỗ trợ doanh nghiệp) đại dịch Covid-19 là trường hợp bất khả kháng (trường hợp xảy ra ngoài khả năng kiểm soát và doanh nghiệp tự mình không thể khắc phục được, dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng của mình); trường hợp bất khả kháng này được áp dụng trong một khoảng thời gian, có thể từ 01/03/2020 và kéo dài đến sau 90 ngày kể từ ngày Thủ tướng tuyên bố hết dịch.

Theo chia sẻ của đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp nhà hàng ăn uống, nếu điều này được áp dụng, chủ nhà sẽ không phạt tiền, lấy cọc hay đòi lấy lại mặt bằng kinh doanh khi các đơn vị thuê mặt bằng hoặc buộc phải chấm dứt hợp đồng thuê, hoặc tạm thời thiếu khả năng thanh toán tiền thuê cho đến khi hết dịch bệnh và bên thuê khôi phục được sản xuất, kinh doanh.

Bộ Luật Dân sự 2015 quy định “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Trong đó, một số sự kiện được coi là bất khả kháng như thiên tại, dịch bệnh, chiến tranh, (điều kiện i); một số sự kiện không thể lường trước được (điều kiện ii) và một số sự kiện không thể khắc phục được (điều kiện iii).

Luật sư Nguyễn Đạt, Đoàn Luật sư Hà Nội, phân tích: “Như vậy, đại dịch Covid-19 thỏa mãn điều kiện (i) và (ii), tuy nhiên điều kiện (iii) thì cần phải được xem xét và phân tích trong các trường hợp cụ thể. Điều kiện (iii) được thỏa mãn và Covid-19 được coi là sự kiện bất khả kháng nếu các bên chứng minh được là không thể khắc phục được tình hình mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng của mình”, Luật sư Đạt nói.

“Lời kêu gọi của tôi đối với những người có mặt bằng cho thuê, tôi mong họ hãy đồng hành với người thuê, chia sẻ rủi ro kinh doanh và thực hiện miễn, giảm tiền thuê. Đó không chỉ thể hiện tình người, thể hiện trách nhiệm với người hàng tháng mang lợi ích đến cho quý vị, mà xa hơn là thể hiện được được tầm nhìn trong kinh doanh. Cùng phát triển sẽ cùng tạo ra lợi ích”, Luật sư Đạt chia sẻ.

 Các chuỗi bán lẻ nội thất BAYA và Vua Nệm kể khổ chuyện đàm phán mặt bằng khi phải tạm đóng hàng loạt cửa hàng giữa mùa dịch  - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại