Các chủ nợ có những đòi hỏi gì với Việt Nam?

N.Dương |

Trung Quốc được mô tả là đưa ra các điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam. Bộ KHĐT cũng khuyến cáo rằng nên xem xét, cân nhắc đối với vốn từ quốc gia này.

Báo cáo của Bộ KHĐT gần đây đã cập nhật thông tin về vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi, giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2021 – 2025. Bộ KHĐT theo đó đã chỉ rõ những nguồn cung về vốn cho Việt Nam trong giai đoạn mới với từng đặc tính, yêu cầu, lưu ý cụ thể.

Vay của WB, ADB: Giá trị lớn, ít ràng buộc

Về vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ đa phương, Bộ KHĐT cho biết Việt Nam đang tiếp nhận vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế như WB, ADB, IFAD... trong đó, vốn vay của WB và ADB chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Ưu điểm của vốn vay của WB, ADB là giá trị lớn, ít ràng buộc về đấu thầu, xuất xứ hàng hoá, dịch vụ và đi kèm các hỗ trợ, dịch vụ phi tài chính... Tuy nhiên, chi phí sử dụng vốn vay ưu đãi từ nguồn này cao, áp dụng lãi suất thị trường, tiệm cận với nguồn vay thương mại thông thường và chịu rủi ro về tỷ giá hối đoái.

Theo Bộ KHĐT, vốn vay WB (IBRD- Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển) có thời hạn tối đa 35 năm bao gồm một khoảng ân hạn tối đa là 19 năm. Phí thu xếp khoản vay là 0,25% tính trên toàn bộ giá trị khản vay, phí cam kết là 0,25%/năm với phần vốn vay chưa rút.

Lãi suất là LIBOR (lãi suất liên ngân hàng London) 6 tháng của đồng USD, EUR, JPY hoặc GBP cộng với khoản chênh lệch cố định hoặc biến đổi, tính theo thời hạn trả nợ.

Hiện lãi suất vay IBRD dao động trong khoảng từ 3 – 4%/năm tuỳ thuộc vào thời hạn vay và lựa chọn mức chênh lệch cố định hay biến đổi.

Hạn mức hỗ trợ của WB cho Việt Nam giai đoạn 2018 – 2020 là 1,8 tỷ USD, tập trung vào 3 lĩnh vực: thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và sự tham gia của khu vực tư nhân; đầu tư vào con người và tri thức; đảm bảo bền vững và nâng cao khả năng phục hồi của môi trường.

Đối với vốn vay ADB (OCR - vốn vay thông thường do Việt Nam đã tốt nghiệp vốn ADF), các khoản vay này có các điều kiện, điều khoản theo thị trường như được lựa chọn về loại tiền tệ, linh hoạt phương án trả nợ, điều kiện hiệp định, lãi suất LIBOR 6 tháng cộng biên độ nhất định.

Phí cam kết của khoản vay là 0,15%/năm trên số tiền chưa giải ngân và phần phụ phí theo kỳ hạn là 0,1%/năm với kỳ hạn trung bình của khoản vay từ 13 – 16 năm hoặc 0,2%/năm với các khoản vay có kỳ hạn trung bình từ 16 – 19 năm. Kỳ hạn tuỳ thuộc tính chất của khoản vay.

ADB cam kết sẽ huy động đối đa 1 tỷ USD/năm vốn OCR để hỗ trợ Việt Nam trong 3 năm tới.

Hạn chế vay từ Trung Quốc

Việc hợp tác song phương với một số nước châu Á cũng mang lại cho Việt Nam một số nhà tài trợ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuỳ từng quốc gia và các khoản vay có điều kiện khác nhau.

Ví dụ, Nhật Bản có 3 mức lãi suất khác nhau, gồm:

Điều kiện vay

Lãi suất

Thời hạn

Thời gian ân hạn

Thông thường

0,6% – 1,2%

15 – 30 năm

5 – 10 năm

Ưu đãi

0,4% – 1%

15 – 30 năm

5 – 10 năm

Ưu đãi cho dự án kỹ thuật cao

0,35% - 0,5%

15 – 30 năm

5 – 10 năm

Thời gian điều chỉnh điều kiện vay là 2 lần/năm.

Điều kiện vay đặc biệt dành cho đối tác kinh tế có ràng buộc về xuất xứ hàng hoá và nhà thầu. Theo đó, nhà thầu tham gia đấu thầu phải thoả mãn một trong những điều kiện: là công ty Nhật Bản; liên doanh do công ty Nhật Bản đứng đầu; chi nhánh của công ty Nhật Bản tại nước ngoài.

Điều này nhằm đảm bảo tỷ lệ ít nhất 30% giá trị hợp đồng mua sắm hàng hoá và dịch vụ có xuất xứ từ Nhật Bản. Phí đầu cuối là 0,2% giá trị khoản vay được cam kết và thanh toán ngay sau khi ký Hiệp định vay. Trong trường hợp tất cả các khoản giải ngân theo đúng thời gian được đề ra sẽ được hoàn lại 0,1%.

Điều kiện vay từ nguồn vốn Hàn Quốc lại ghi nhận lãi suất vay dao động từ 0 – 2% tuỳ theo điều kiện đấu thầu. Cụ thể, mức 0% áp dụng đấu thầu giữa công ty Hàn Quốc, 2% áp dụng với dự án đấu thầu giữa công ty Hàn Quốc và Việt Nam. Thời hạn vay từ 25 – 40 năm, thời gian ân hạn từ 7 – 10 năm.

Đối với Trung Quốc, Bộ KHĐT phân tích kỹ và cho rằng nên hạn chế. Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc tương tự như các khoản tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA khác của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam, theo Bộ KHĐT.

Theo đó, điều kiện vay với lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm.

Các khoản tín dụng ưu đãi được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp sử dụng cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc cũng thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.

"Do đó trong thời gian tới, đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc", Bộ KHĐT nêu rõ.

Ngoài ra, Việt Nam còn một số nguồn vốn vay từ các nước châu Âu có hợp tác song phương như Đan Mạch, Pháp, Đức...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

Indonesia chính thức gia nhập BRICS, Bộ Ngoại giao nói về khả năng Việt Nam tham gia

Indonesia chính thức gia nhập BRICS, Bộ Ngoại giao nói về khả năng Việt Nam tham gia

09/01/2025 19:31

Việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế đa phương, khu vực và quốc tế được nghiên cứu, xem xét trên cơ sở phù hợp đường lối đối ngoại, cũng như điều kiện và khả năng của Việt Nam.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top