Các căn cứ quân sự phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông lộ “yếu điểm chết người”

Huyền Chi |

Trung Quốc đã bỏ ra nhiều năm biến các hòn đảo và bãi cạn trên Biển Đông thành căn cứ và sân bay quân sự - nhưng chúng lại rất dễ bị tổn thất và khó phòng thủ khi bị tấn công.

Từ năm 2014, Trung Quốc đã cho xây dựng trái phép các bãi cạn trên Biển Đông, biến chúng thành căn cứ quân sự (Ảnh: AP)

Từ năm 2014, Trung Quốc đã cho xây dựng trái phép các bãi cạn trên Biển Đông, biến chúng thành căn cứ quân sự (Ảnh: AP)

Hãng CNN đã dẫn lại phân tích của "Naval and Merchant Ships", một tạp chí có trụ sở tại Bắc Kinh được xuất bản bởi Tổng Công ty Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc, đã chỉ ra rằng các căn cứ trên "nằm đơn độc tren vùng biển xa", và cách xa cả lục địa Trung Quốc lẫn các đảo khác trong các vùng biển tranh chấp rộng lớn trải dài hơn 3,3 triệu km vuông.

"Các hòn đảo và bãi cạn trên Biển Đông có những lợi thế độc nhất trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và duy trì hiện diện quân sự trên vùng biển lớn, nhưng chúng cũng có những điểm yếu tự nhiên liên quan tới vấn đề phòng thủ" – bài viết có đoạn.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như tất cả Biển Đông, và kể từ năm 2014 đã cải tạo trái phép các bãi cạn thành các đảo nhân tạo được trang bị nhiều tên lửa, đường băng và hệ thống vũ khí khác.

Mỹ - nước coi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là phi pháp – đã phản đối lại hoạt động trên bằng cách triển khai nhiều chiến hạm áp sát các hòn đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng/tuyên bố chủ quyền, và coi đây là hoạt động bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực.

Theo luật pháp quốc tế, bất cứ bên nào sở hữu chuỗi đảo tranh chấp trên biển sẽ có quyền được khai thác mọi nguồn tài nguyên ở các vùng biển xung quanh nó như cá, dầu và khí; ngoài ra còn sở hữu tuyến đường thương mại trên biển thuộc hàng giá trị nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong khi các căn cứ xa bờ này giúp Bắc Kinh mở rộng quyền kiểm soát trong khu vực, nhưng chúng cũng tồn tại những yếu điểm trong trường hợp xảy ra chiến sự. Tạp chí Naval and Merchant Ships lấy ví dụ một bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, cách thành phố Tam Á ở đảo Hải Nam tới 1.000 km.

"Kể cả khi hạm đội hỗ trợ có vận hết tốc lực, họ cũng phải mất hơn một ngày mới tới được đó" – bài viết có đoạn.

Mặc dù một số đảo có đường băng cho máy bay hạ cánh, nhưng tầm bao phủ trên biển lại hạn chế, và phần lớn các chiến đấu cơ có thể thể được triển khai tới đó sẽ khó lòng bay đến các đảo khác một cách kịp thời; chưa kể sẽ rất tốn nhiên liệu để các máy bay di chuyển tầm xa như vậy.

Trung Quốc hiện có 2 hàng không mẫu hạm đã vận hành, mà trên lý thuyết là có thể được triển khai tới Biển Đông, nhưng chúng cũng cần phải có tầm bao phủ các đảo này ngay tại thời điểm xảy ra chiến sự.

Bài viết còn chỉ ra rằng, các căn cứ trên đảo nhân tạo cực kỳ dễ bị đánh úp, do vị trí xa xôi của chúng, và có thể bị cả tên lửa tầm xa của Mỹ hay Nhật Bản nhằm vào. Và kể cả khi các đảo này không bị tấn công, chúng cũng quá nhỏ để giúp che chắn hoặc có thể khiến các lực lượng hỗ trợ cạn kiệt nguồn tiếp tế.

"Các hòn đảo này thiếu thảm thực vật, đá tự nhiên, đất cùng các yếu tố che phủ khác, trong khi độ cao lại thấp, mặc dù mực nước ngầm cao. Nhân sự và các nguồn lực không thể đem xuống đất ẩn náu/dự trữ trong thời gian dài được" – bài viết có đoạn.

Ngoài ra còn có thêm vấn đề khác khiến cho việc phòng thủ các đảo này đặc biệt khó khăn; thoe Malcolm Davis, chuyên gia phân tích chiến lược quốc phòng thuộc Viện chính sách Chiến lược Australia, nhận định.

"Các điều kiện môi trường khắc nghiệt ở Biển Đông – ăn mòn do nước muối, thời tiết khắc nghiệt – khiến cho người ta không thể triển khai bất cứ thứ gì ra các đảo này để giúp chúng tự vệ" – ông Davis nói, thêm rằng những chiếc máy bay tinh vi, đắt tiền sẽ không thể hoạt động "chỉ sau một tuần lễ trên những hòn đảo này".

Ông nói, mặc dù một số đảo có thể phù hợp làm nơi nhắm bắn, nhưng chúng sẽ trở thành những mục tiêu bị tấn công đầu tiên nếu như xung đột bùng nổ trên Biển Đông, và "đơn giản là không thể nào xây dựng một hòn đảo có thể phòng thủ được hiệu quả" trên các bãi cạn ở đó.

"Điều mà Trung Quốc đang cố gắng làm là sáp nhập không gian hàng hải quốc tế, để kiểm soát và sở hữu các vùng biển quốc tế.

Và để làm điều đó, họ cần phải có sự hiện diện vĩnh viễn ở đó" – Davis nói – "Nhưng một điều ngày càng rõ ràng là, đó không phải một bước đi thực tế về dài hạn bởi họ thực sự không thể phòng thủ những căn cứ đó".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại