Theo báo Kommersant (Nga), các Bộ trưởng đã không hề biết gì về việc Chính phủ từ chức trước khi Thủ tướng Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố. Một Bộ trưởng tạm quyền (sau khi Chính phủ từ chức) nói với trang mạng The Bell: "Chúng tôi được mời đến họp rồi được nghe tuyên bố từ chức". Một Bộ trưởng khác nói rằng những gì vừa xảy ra giống như "tiếng sét giữa trời quang".
Ông E. Minchenko, Chủ tịch hãng truyền thông cùng tên, nói với trang thông tin điện tử snob.ru: "Mọi chuyện diễn ra theo đúng phong cách Putin – giống như một chiến dịch chớp nhoáng. Đây chắc chắn không phải là ý tưởng của ông Medvedev".
Bình luận về nguyên nhân từ chức của Chính phủ Medvedev, người dẫn chương trình kênh truyền hình Nga tsargrad.tv cho rằng, "đây là hồi kết hiển nhiên trong hoạt động của Chính phủ; Chính phủ này không thể thực hiện được kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Putin (vừa được đưa ra trong Thông điệp liên bang)".
Trong khi đó, báo Thanh niên Moskva (mk.ru) nhận xét, Tổng thống Putin "đã chính thức có bước đi chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu Putin ở nước Nga; sau hai thập niên xây dựng một siêu cộng hòa tổng thống, giờ đây trong Thông điệp liên bang, ông Putin đã tuyên bố về sự thay đổi sâu sắc đường lối của mình". Tờ này cho rằng, Tổng thống Putin đã đi trước một nước cờ để "người kế nhiệm" mình không có cơ hội sửa đổi Hiến pháp.
Đài BBC (Anh) nhắc lại rằng, thông thường Chính phủ Nga từ chức, giải tán khi Tổng thống nhậm chức. Nhưng cũng đã có những trường hợp Tổng thống giải tán Chính phủ, như ông Boris Yeltsin đã làm 4 lần đối với Chính phủ Chernomyrdin và S. Kirienko năm 1998, Chính phủ của Thủ tướng E. Primakov và S. Stepashin năm 1999, còn Tổng thống Putin đã làm một lần đối với Chính phủ của Thủ tướng M. Kasyanov vào năm 2004. Cho đến gần đây mới chỉ một lần Chính phủ chủ động từ chức: đó là Chính phủ của Thủ tướng M. Fradkov vào ngày 12/9/2007./.