Bệnh lao phổi gặp ở tất cả mọi lứa tuổi và giới tính, đặc biệt với những người sống trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với những người bị lao phổi nếu không có biện pháp phòng tránh sẽ có khả năng nhiễm bệnh cao.
Dấu hiệu nhận biết lao phổi
Dấu hiệu và triệu chứng của lao phổi được biểu hiện như sau: Dấu hiệu quan trọng nhất là người bệnh bị ho kéo dài liên tục hơn 2 tuần. Ho kéo dài, ho khan hoặc khạc đờm trắng. Nhiều trường hợp người bệnh ho khạc đờm lẫn máu hoặc ho khạc nhiều máu. Sốt nhẹ về chiều gặp ở hầu như tất cả các bệnh nhân. Người gầy sút cân.
Người bệnh suy kiệt, da xanh, niêm mạc nhợt, sốt dai dẳng về chiều và tối. Triệu chứng cơ năng: Ho ngày càng tăng, có thể ho ra máu. Đau ngực liên tục. Khó thở tăng cả khi nghỉ ngơi.
Triệu chứng thực thể: Khi bệnh nhân đến khám muộn, có thể nhìn thấy lồng ngực bị lép (bên tổn thương) do các khoang liên sườn hẹp lại. Vùng đục của tim bị lệch sang bên tổn thương, nghe có nhiều ran nổ, ran ẩm..., có thể có tiếng thổi hang.
Với bệnh nhân lao phổi, hầu hết các trường hợp khám phổi không phát hiện dấu hiệu gì đặc biệt. Bệnh được chẩn đoán dựa chủ yếu vào việc khai thác các dấu hiệu ho kéo dài, khạc đờm có máu, sốt về chiều... và hình ảnh tổn thương thâm nhiễm trên phim chụp Xquang phổi. Việc chẩn đoán chính xác mắc lao dựa vào xét nghiệm tìm thấy bằng chứng của vi khuẩn lao trong đờm.
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra.
Lao phổi thường bị nhầm với bệnh gì?
Các triệu chứng lao phổi đôi khi rất giống với các bệnh phổi khác, do vậy, nhiều trường hợp chủ quan không đi khám vì không nghĩ mình mắc bệnh lao hoặc đôi khi là bệnh phổi khác nhưng lại được chẩn đoán là lao. Vậy bệnh lao phổi thường bị nhầm với những bệnh nào?
Viêm phổi: nhiều bệnh nhân lao phổi bị chẩn đoán nhầm là viêm phổi. Thông thường, hướng tới chẩn đoán viêm phổi khi bệnh diễn biến đột ngột với sốt, ho, khạc đờm mủ, đờm màu xanh hoặc vàng. Xét nghiệm thấy số lượng bạch cầu trong máu tăng. Chụp Xquang phổi thấy tổn thương là đám mờ hình tam giác mà không có hang kèm theo. Xét nghiệm đờm: không tìm thấy vi khuẩn lao. Dùng kháng sinh bệnh thuyên giảm nhanh.
Áp-xe phổi: người bệnh thường có hội chứng nhiễm trùng rõ ràng, ho khạc mủ hoặc ộc mủ. Trên phim Xquang phổi là hình mức nước hơi.
Giãn phế quản: chẩn đoán phân biệt bằng cách tìm trực khuẩn kháng cồn kháng toan (phải làm nhiều lần); chụp cắt lớp lồng ngực lớp mỏng 1mm, độ phân giải cao thấy hình ảnh giãn phế quản.
Hen phế quản: trường hợp này hiếm gây chẩn đoán nhầm, những trường hợp lao nội phế quản có thắt hẹp đường thở đôi khi có thể gây tiếng thở rít làm chẩn đoán nhầm là hen.
Ung thư phổi: nhiều trường hợp lao phổi có hình mờ trên phim Xquang giống như u phổi, do đó có thể chẩn đoán nhầm là u phổi. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp u phổi bị hoại tử ở giữa, do vậy trên phim thấy hình giống như hang trong lao phổi. Thông thường, hướng tới chẩn đoán u phổi khi: bệnh nhân nam, tuổi trên 45 có tiền sử hút thuốc lào, thuốc lá. Trên phim Xquang phổi tổn thương là hình đám mờ. Để có chẩn đoán chính xác, cần tiến hành nội soi phế quản, lấy dịch phế quản làm các xét nghiệm tế bào, vi khuẩn lao hoặc tiến hành chọc kim vào đúng vị trí tổn thương để lấy bệnh phẩm chẩn đoán.
Nhìn chung, cần tiến hành làm các xét nghiệm, thăm dò để chẩn đoán lao ở tất cả những bệnh nhân có ho kéo dài trên 4 tuần.
Phát hiện sớm để điều trị hiệu quả bệnh lao
Cần phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh lao phổi để có giải pháp điều trị kịp thời. Sự chủ quan, lơ là sẽ rút ngắn con đường dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu bệnh lao thì đến ngay cơ sở y tế để làm các xét nghiệm thăm dò. Nếu đúng là mắc lao, người bệnh không nên hoang mang bởi hiện nay đã có cách trị bệnh theo các phác đồ cập nhật; Đồng thời kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, lành mạnh sẽ sớm trả lại cho chúng ta lá phổi khỏe mạnh.
Mục đích của việc điều trị lao (chủ yếu dùng thuốc) là tiêu diệt hết vi khuẩn lao ở nơi tổn thương để khỏi bệnh và tránh tái phát, hạn chế các biến chứng và tử vong, dập tắt các nguồn lây lan cho cộng đồng. Giai đoạn đầu điều trị thì nguy cơ lây bệnh cao hơn giai đoạn sau. Khi nào còn vi khuẩn lao trong đàm (AFB dương tính) thì trong dịch tiết đường hô hấp có nhiều vi khuẩn lao, khả năng lây nhiễm lao cao hơn người đã hết vi khuẩn lao trong đàm (AFB âm tính).
Với người bệnh lao phổi, không được khạc nhổ bừa bãi xuống đất, khi bệnh đang phát triển thì nên ngủ giường riêng, dùng riêng chén đũa, cốc chén và phải rửa bằng nước sôi sau khi dùng. Áo quần, chăn màn hằng tuần phải được ngâm nước sôi sau khi giặt. Khi nói chuyện, có thể đeo khẩu trang hoặc không nhìn đối diện vào mặt người khác. Cần kiên trì điều trị lao đúng thời gian và theo hướng dẫn của thầy thuốc cho đến khi khỏi hẳn.
Tiêm vắc-xin phòng lao (BCG) cho trẻ ngay từ lúc mới sinh là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng ngừa bệnh lao.