Các bên đối địch tại Yemen đạt thỏa thuận trao đổi tù binh

Minh Tâm (TTXVN) |

Các bên đối địch tại Yemen ngày 26/9 đã nhất trí trao đổi trên 1.000 tù binh trong khuôn khổ các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ tại Thụy Sĩ.

Theo hãng tin AFP (Pháp), một thành viên phái đoàn Chính phủ Yemen đề nghị giấu tên cho biết Chính phủ Yemen - được sự hậu thuẫn của liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu - và lực lượng phiến quân Houthi đã đạt thỏa thuận trao đổi 1.081 tù binh trong vòng 2 tuần.

Nội dung thỏa thuận bao gồm việc thả 681 phiến quân và 400 thành viên thuộc các lực lượng chính phủ Yemen (và các nước đồng minh), trong đó có 15 người Saudi Arabia, 4 người Sudan. Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) sẽ giám sát quá trình trao đổi tù binh này.

Tuy nhiên, nguồn tin trên cho biết thêm nhóm Houthi vẫn chưa chấp nhận thả Tướng Nasser Mansour Hadi - anh trai của Tổng thống Yemen Abedrabbo Mansour Hadi.

Cùng ngày, kênh Al-Masirah dẫn nguồn bên phía Houthi thạo tin các cuộc đàm phán cũng xác nhận vòng đàm phán lần này đã kết thúc với việc các bên đạt được thỏa thuận trao đổi tù binh nêu trên.

Trước đó, ngày 18/9, phái đoàn Chính phủ Yemen và nhóm phiến quân Houthi đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán tại một địa điểm không được tiết lộ ở Thụy Sĩ nhằm tiến tới đạt thỏa thuận thả 1.420 tù binh, trong đó có Tướng Nasser Mansour Hadi.

Thời gian qua, hai bên cũng đã thực hiện một số cuộc trao đổi tù binh lẻ tẻ. Tuy nhiên, việc thả các tù binh theo thỏa thuận mới nhất ngày 26/9 nếu được thực hiện sẽ đánh dấu đợt trao đổi quy mô lớn đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến tại Yemen vào năm 2014.

Thỏa thuận trao đổi tù binh vốn được coi là một bước đột phá trong các cuộc đàm phán hòa bình năm 2018 ở Thụy Điển. Giới phân tích đánh giá động thái là tín hiệu cho thấy các cuộc đàm phán có thể đang đạt được tiến triển.

Nội chiến nổ ra tại Yemen kể từ khi phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa cuối năm 2014 và chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong.

Năm 2015, một liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Từ cuối tháng 9/2019, Saudi Arabia đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi để giảm bạo lực.

Sau một thời gian tạm lắng, bạo lực đã leo thang trở lại ở phía Đông thủ đô Sanaa nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân Houthi.

Cho đến nay, cuộc xung đột kéo dài dai dẳng này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường, và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới theo cách gọi của LHQ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại