Tôi đang thấy đầy rẫy trên mạng những lời chê bai, mỉa mai hiện tượng Tùng Sơn. Có những bạn trẻ dùng lời lẽ miệt thị một cách thiếu kiểm soát mà không nhân danh một mục đích hợp lý nào cả.
Nếu đơn giản chỉ vì Tùng Sơn mặc váy phụ nữ, ngả ngớn chụp ảnh nhưng lại không được đẹp như những siêu mẫu khác mà bị chửi thì vô lý quá.
Có cả những người hội đủ nhận thức, lại tỏ ra trăn trở vì xã hội sao lệch lạc đến thế. Nhiều ca sỹ được đào tạo bài bản, miệt mài cống hiến cho nghệ thuật nhưng hát mãi mà chỉ "có tuổi nhưng không có tên".
Trong khi đó tất cả những gì Tùng Sơn có chỉ là sự lố lăng vượt quá chuẩn mực mà bỗng dưng lại nổi tiếng, bắt đầu có cả người đại diện, kiếm tiền ngang ngửa những ca sỹ tầm trung khác.
Người ta lo rằng xã hội sẽ lệch chuẩn. Rồi mai đây ai sẽ cố gắng học hành đàng hoàng, đi theo con đường chân chính để trở thành ca sỹ nữa.
Nếu xã hội đi theo xu thế "một tin xấu lan truyền nhanh bằng 10 tin tốt", con người rồi cũng sẽ tha hóa để hợp với xu thế ấy.
Họ cũng lo lắng rằng nhân cách con người rồi sẽ bị coi nhẹ. Tự trọng ngày càng bị bán với giá rẻ bất ngờ.
Chàng trai Tùng Sơn này đang là đối tượng bị dân mạng Việt "ném đá".
Tôi đánh giá cao trách nhiệm với xã hội của những con người này, nhưng tôi có thể cam đoan, họ chỉ ghen tị với Tùng Sơn chứ thực tế không trăn trở với xã hội nhiều đến thế.
Tôi thấy cá chết ở Hồ Tây, họ không quan tâm. Tôi thấy thực phẩm bẩn tràn lan, họ cũng không (quá) quan tâm.
Tôi thấy ý thức giao thông xuống cấp trầm trọng, văn hóa giao tiếp của một bộ phận giới trẻ cũng suy thoái nghiêm trọng. Họ cũng không quan tâm.
Họ chỉ quan tâm Tùng Sơn hôm nay đi dự sự kiện này, hôm trước chụp ảnh trong sự kiện khác. Và họ nhân danh đạo đức để bày tỏ sự ghen tị nhỏ nhen của mình.
Cá nhân tôi cho rằng cuộc đời này không dọn cho ai bữa cơm miễn phí cả và chúng ta cũng không cần trăn trở về việc liệu những người như Tùng Sơn có thể làm lệch chuẩn nhận thức văn hóa của người Việt hay không.
Nhiều người có thể dễ dàng bỏ qua những hành vi sai trái như thế này khi tham gia giao thông. (Ảnh: Otofun)
Năm 2011, cô bé Rebecca Black trình diễn ca khúc Friday bị gắn mác "thảm họa âm nhạc".
Chỉ 1 tuần sau khi tung ca khúc chẳng giống ai lên Youtube, video của Rebecca Black đã thu hút 20 triệu lượt xem. Trên mạng xã hội Twitter, Rebecca Black được tìm kiếm còn nhiều hơn cả thảm họa động đất ở Nhật Bản.
Cũng giống hệt như Lệ Rơn hay Tùng Sơn, Rebecca Black đạp lên "gạch đá" từ những người nhân danh âm nhạc chân chính, tiếp tục trình diễn ca khúc Saturday và tiếp tục bị ném đá.
Nhưng bất chấp những nỗ lực tấn công vào sự tò mò của cư dân mạng, Rebecca Black không thể dấn thân vào làng giải trí một cách chính thức.
Tháng 8 vừa qua, Rebecca Black trở lại sau 5 năm vắng bóng và phối lại những ca khúc đã thành danh bằng kỹ thuật thanh nhạc tốt hơn, đầu tư hơn, nhưng vẫn không được chấp nhận.
Người Mỹ không tạo ra môi trường để Rebecca Black, bằng sự lố bịch của mình, trở thành một người hoạt động giải trí chuyên nghiệp. Cô chỉ mãi dừng lại ở ngưỡng thảm họa âm nhạc mà thôi.
Thị trường nào cũng có quy luật tự đào thải trước những gì lệch lạc hoàn toàn như Rebecca Black, Lệ Rơi hay Tùng Sơn.
Con đường mà Tùng Sơn đang đi không cũ, cách người Việt phản ứng cũng không cũ nhưng kết cục sau cùng tôi nghĩ rằng, vẫn như cũ mà thôi.
Ở một số quốc gia mà giao thông phát triển cực thịnh, bạn có thể dừng xe đột ngột trên cao tốc, bị xe sau húc vào đít và rồi nhận… tiền đền bù từ chiếc xe phía sau.
Đó là một cách… kiếm tiền, nhưng liệu bạn có gan làm hay không? Cũng giống như Tùng Sơn. Bạn có gan để trở nên lố lăng như Tùng Sơn hay không? Nếu không thì hãy trung thành với con đường của mình và ngừng ghen tị lại.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả