Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 5/2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 167 triệu USD, tăng 5% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, nước ta thu về 747 triệu USD từ xuất khẩu cá tra, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phile cá tra đông lạnh vẫn là sản phẩm chủ lực xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tháng 5/2024, xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường đạt 134 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 5, Việt Nam xuất khẩu gần 603 triệu USD phile đông lạnh cá tra sang các thị trường, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc & Hong Kong vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 203 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt gần 48 triệu USD, tăng 1%; xuất khẩu sang Hồng Kông đạt hơn 2,3 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 5/2024 ghi nhận là tháng mà giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc & Hong Kong cao thứ 2 kể từ đầu năm nay với giá trị gần 50 triệu USD, tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ, tăng 21% so với tháng trước đó.
Nguyên nhân là nhờ giá cả hợp lý, chất lượng thịt thơm ngon khiến người tiêu dùng Trung Quốc dễ lựa chọn. Tại các cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc, giá cá tra ghi nhận rẻ hơn so với các loại cá nước ngọt được sản xuất trong nước như cá chép.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ chứng kiến tăng trưởng âm trong tháng 5/2024. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 5/2024 đạt 30 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm nay sang Mỹ đạt hơn 132 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 5/2024 với giá trị đạt gần 13 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, một vài thị trường ghi nhận tăng nhập khẩu cá tra bao gồm Mexico, Nhật Bản, Canada, Singapore,.. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá tra sang CPTPP đạt 103 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ.
Giống với thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang khối thị trường EU chứng kiến sụt giảm 16% trong tháng 5/2024 với giá trị 14 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang thị trường này đạt 70 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù kim ngạch sụt giảm, nhiều thị trường trong khối EU ghi nhận tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 5/2024, trong khi tháng 5/2023 gần như không nhập khẩu, bao gồm: Bulgaria (59 nghìn USD), Hungary (40 nghìn USD), Cộng hòa Séc (53 nghìn USD).
Việc Mỹ và EU tiếp tục siết chặt nhập khẩu thủy hải sản từ Nga tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu cá tra tại Trung Quốc kỳ vọng sẽ được cải thiện khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của nước này “thẩm thấu”.
Triển vọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ duy trì tích cực trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc,...
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), sản lượng cá tra toàn cầu ước tính đạt 3,13 triệu tấn vào năm 2023 (tăng 0,5% so với sản lượng 3,11 triệu tấn năm 2022). Với 1,62 triệu tấn, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sản lượng cá tra, tiếp theo là Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc. Dự báo sản lượng cá da trơn/cá tra năm 2024 tăng 2,8% so với năm 2023.
Hiện nay, cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm và hầu hết nằm ở vùng ĐBSCL.