Ca tử vong vì dị ứng thức ăn: Nhiều năm trong nghề, bác sĩ chưa từng gặp!

Nguyễn Thạnh |

Theo Bệnh viện An Sinh, quá trình chẩn đoán, cứu chữa đối với nữ bệnh nhân dị ứng thức ăn là đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Ngày 24-4, liên quan đến vụ bệnh nhân L.N.T. (30 tuổi; ngụ quận 9, TP HCM) tử vong sau điều trị dị ứng, Bệnh viện (BV) An Sinh (TP HCM) cho hay hội đồng khoa học BV đã họp, xem xét toàn quá trình chẩn đoán, cấp cứu nữ bệnh nhân.

Hiện bệnh án được niêm phong cùng biên bản họp đã gửi Sở Y tế TP HCM xem xét.

Nhắc lại toàn bộ quy trình cứu chữa người bệnh, bác sĩ Lưu Tuấn Khang, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV An Sinh, cho biết lúc 18 giờ ngày 18-4, chị T. được chồng đưa tới cấp cứu trong tình trạng ngứa đỏ da, nổi mề đay sau khi ăn tôm, cua, thịt bò vào lúc 14 giờ cùng ngày.

Trước đó 3 ngày, bệnh nhân cũng bị nổi dị ứng sau khi ăn và tự dùng thuốc ở nhà.

Lúc đó chị T. tiếp xúc tốt, bác sĩ đã thăm khám, chẩn đoán sơ bộ là bệnh nhân bị dị ứng thức ăn và điều trị theo hướng chống dị ứng với thuốc Lactate Ringer 500ml, Solu-medrol 125mg, Rupafin 10mg.

Tới 19 giờ 30 cùng ngày, bệnh nhân than ngứa toàn thân. Bác sĩ tiêm thêm một ống Zantac 50mg viên và cho uống viên chống dị ứng Chlorpheniramine 4mg. 30 phút sau, bệnh nhân có cảm giác khó thở, buồn nôn, chóng mặt, nổi mề đay toàn thân, có dấu hiệu tụt huyết áp, mạch và nhịp thở tăng nhanh.

Nghĩ bệnh nhân bị sốc phản vệ từ đường tiêu hóa nên ngay lập tức, bác sĩ tiêm ½ ống Adrenaline (loại 1mg/1ml). Tuy nhiên, tình trạng người bệnh diễn tiến xấu hơn, dẫn tới ngưng tim, ngưng thở.

Chẩn đoán chị T. bị sốc phản vệ độ 4 (nặng nhất) dẫn tới ngưng tim, ngưng thở, các bác sĩ tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, xốc điện 3 lần kết hợp với dùng Adrenaline (5 phút dùng 1 ống) và các loại thuốc khác.

Nhờ cấp cứu kịp thời, tới 23 giờ 30, bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục, tỉnh táo và nói chuyện được.

Theo BS Khang, toàn bộ quy trình cấp cứu sốc phản vệ cho nữ bệnh nhân thực hiện theo phác đồ điều trị mà Bộ Y tế ban hành. Các loại thuốc dùng cũng đúng theo quy định.

Khoảng từ 23 giờ 30 ngày 18-4 tới sáng 19-4, tình trạng bệnh nhân ổn định, ăn được cháo, trò chuyện với người nhà và vẫn tiếp tục dùng Adrenaline. Tuy nhiên, tới 8 giờ, bệnh nhân lại than mệt, khó thở, môi tím, da xanh.

Bác sĩ trực cho dùng thuốc chống dị ứng Solu-medrol. 15 phút sau, tình trạng người bệnh chuyển xấu nên đã được tăng liều Adrenaline.

Tiến hành hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị phù phổi cấp tổn thương, sốc phản vệ độ 4, tiên lượng rất nặng nên liên hệ với BV Nhân Dân 115 và đồng ý chuyển bệnh nhân qua đó điều trị.

Khi chuyển viện, bệnh nhân tỉnh, huyết áp 120/80 mmHg, mạch 110 lần/phút, nồng độ oxy trong máu là 100%, đang thở máy và truyền Adrenaline kết hợp với Dopamin.

Sau gần 1 ngày cấp cứu ở BV Nhân Dân 115, tình trạng bệnh nhân T. không chuyển biển nên gia đình đã xin đưa về, lo việc mai táng.

Việc gia đình chị T. bức xúc cũng là điều dễ hiểu, vì chị này vào viện với các triệu chứng bệnh thông thường.

Kíp trực cũng chẩn đoán dị ứng do thức ăn và điều trị theo phác đồ. BS Khang nhận định việc sốc phản vệ và tái sốc phản vệ mà bệnh nhân T. gặp phải có nhiều khả năng do cơ địa người này quá mẫn cảm.

"Ngay trong giới chuyên môn như chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên. Bình thường theo y văn, dị ứng đường tiêu hóa rất ít gây ra sốc phản vệ. Bản thân làm trong nghề nhiều năm tôi cũng chưa gặp trường hợp nào như vậy"- BS Khang cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại