Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của nước ta đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong đó khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022, bởi vậy đây được mệnh danh là kho bạc dưới nước của Việt Nam.
Cá tra còn được gọi là cá tỷ đô khi mang về hàng tỷ USD trong những năm qua. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 2/2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 90 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù sụt giảm 2 con số, tuy nhiên lũy kế xuất khẩu cá tra tính đến hết tháng 2/2024 sang các thị trường vẫn tăng 6% so với cùng kỳ và đạt 255 triệu USD. Sự gia tăng này chủ yếu là do giá trị xuất khẩu trong tháng 1/2024 tăng kỷ lục khi nhiều thị trường tăng cường tích trữ cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc & Hong Kong vẫn là nhà nhập khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam với 23 triệu USD trong tháng 2/2024, giảm 65% so với tháng 2/2023. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 75 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại thị trường Trung Quốc, Ông Lin Xiaowen, Tổng Giám đốc của Hải Nam Xiangtai Fish cho biết công ty của ông gần đây đã vượt qua những thách thức trong nuôi cá tra và khám phá các kỹ thuật mới sau 4 năm nuôi thử nghiệm. Ông Lin hy vọng sản lượng cá tra của Xiangtai sẽ đạt 10.000 tấn trong năm nay. Tuy nhiên ông Lin cũng phải thừa nhận rằng ngay cả ở điều kiện khí hậu tương tự như Hải Nam, kích cỡ cá tra nuôi nhìn chung nhỏ hơn của Việt Nam. Ông cho biết hiện tại, cá tra nội địa của Trung Quốc không thể cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP trong 2 tháng đầu năm nay vượt Mỹ và trở thành thị trường lớn thứ 2 về tiêu thụ cá tra Việt Nam với 37 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tháng 2/2024, khối thị trường này tiêu thụ gần 13 triệu USD cá tra, giảm 28% so với tháng 2/2023. Trong đó Canada nổi bật với mức tăng trưởng dương 23% trong khi hầu hết các quốc gia khác đều giảm nhập khẩu.
Mỹ là thị trường lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay đạt 34 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ kim ngạch tháng trước đó tăng gần gấp đôi. Vừa qua, Bộ thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính lần thứ 19 (POR 19) đối với cá tra phile đông lạnh Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong giai đoạn 1/8/2021 - 31/7/2022. Theo đó, mức thuế chống phá giá chung mà DOC áp cho doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam trong đợt rà soát này là 2,39 USD/kg. Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế 0,00 USD/kg.
Năm 2024, ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD.
Hiện các sản phẩm cá tra Việt Nam đã chinh phục thị trường 146 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài mặt hàng chủ lực là cá tra phi-lê, các sản phẩm phụ (bong bóng cá tra phơi khô, chả, cá tra ướp thì là…) được thị trường Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore ưa chuộng.