Cả thế giới vui mừng khi Việt Nam ghi nhận loài cheo cheo lưng bạc chưa tuyệt chủng sau 30 năm biến mất

ZKNIGHT |

Lần cuối cùng một cá thể cheo cheo lưng bạc được phát hiện là vào năm 1990, trên tay một thợ săn ở Nha Trang.

Nhiều hãng tin quốc tế bao gồm Guardian (Anh), National Geographic, New Scientist, CNN và Gizmodo (Mỹ)... hôm nay đã đồng loạt đưa tin về một phát hiện mới ở Việt Nam. Theo đó, các nhà bảo tồn sinh học đã chụp được gần 2.000 tấm ảnh của loài cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor), loài sinh vật tưởng chừng đã tuyệt chủng ở Nha Trang cách đây 30 năm.

Cheo cheo lưng bạc có ngoại hình nửa giống chuột, nửa giống hươu. Với cơ thể chỉ cao khoảng 45 cm, nặng từ 0,7-1,8 kg, cheo cheo lưng bạc được xác định thuộc nhóm thú móng guốc nhỏ nhất thế giới.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một tin tức hết sức phấn khởi", Gizmodo cho biết trong bản tin. Cùng ngày, trang Guardian chạy title: "Loài hươu chuột biến mất gần 30 năm nay được tìm thấy vẫn còn sống ở Việt Nam". National Geographic ca ngợi phát hiện và gọi cheo cheo lưng bạc là "loài động vật đã biến mất trong cả một thế hệ".

"Từ lâu, loài cheo cheo lưng bạc chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng tôi", nhà sinh vật học An Nguyen làm việc tại Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Toàn cầu cho biết.

"Nhưng bây giờ, chúng tôi phát hiện ra rằng chúng vẫn còn sống. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chúng không bị tuyệt chủng. Bây giờ, chúng tôi sẽ nhanh chóng tìm ra cách tốt nhất để bảo vệ loài động vật này".

Cheo cheo lưng bạc là một loài động vật hết sức quý hiếm và mang tính đặc thù của Việt Nam. Nó được phát hiện và ghi chép lần đầu vào năm 1910. Kể từ đó, mặc dù chưa bị tuyên bố là tuyệt chủng, cheo cheo lưng bạc được xếp vào danh sách 25 loài động vật biến mất và cần tìm lại của Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Toàn cầu.

Lần cuối cùng một cá thể cheo cheo lưng bạc được phát hiện là vào năm 1990, trên tay một thợ săn ở Nha Trang, nó đã bị người thợ săn này giết chết.

Bởi có kích thước bé nhỏ, cheo cheo lưng bạc thường là con mồi của nhiều loài động vật khác bao gồm báo, chó và trăn rừng. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết chính hoạt động săn bắt của con người mới là nguyên nhân chính đẩy loài sinh vật này tới bờ vực tuyệt chủng.

An Nguyen, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Động vật hoang dã và Sở thú Leibniz, Cộng hòa Liên bang Đức đã tự hỏi: Liệu những con cheo cheo lưng bạc đã thực sự tuyệt chủng hay chưa? Hay chúng vẫn còn đâu đó ngoài kia mà chúng ta không hề hay biết?

Anh đã cùng với đồng nghiệp của mình, Andrew Tilker, lặn lội về Việt Nam để phỏng vấn một số người dân và cán bộ kiểm lâm, những người được cho là đã nhìn thấy loài cheo cheo lưng bạc ở Nha Trang.

Cả thế giới vui mừng khi Việt Nam ghi nhận loài cheo cheo lưng bạc chưa tuyệt chủng sau 30 năm biến mất - Ảnh 1.

An Nguyen (Phải) tiến hành đặt một camera phát hiện chuyển động, để "bẫy" những con cheo cheo lông bạc vào khung hình.

Trên thực tế, cheo cheo lưng bạc của Việt Nam có ngoại hình rất giống với cheo cheo Malaysia (Tragulus kanchil) đôi khi cũng được tìm thấy ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Việt Nam và Lào.

Vì vậy, để có thể xác định chính xác các cá thể được người dân địa phương ở Nha Trang bắt gặp có phải cheo cheo lưng bạc hay không, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đặt 29 camera tự động kích hoạt khi phát hiện chuyển động trong khu vực họ nghi ngờ loài động vật này xuất hiện.

Trong vòng sáu tháng, các "bẫy" camera này đã ghi lại 208 chuyến viếng thăm của những con cheo cheo lưng bạc, tới 15 trong số các địa điểm dự kiến. Những con cheo cheo này đúng là cheo cheo lưng bạc của Việt Nam, bởi chúng có hai màu lông, và những sợi lông xám có đầu trắng phân biệt chúng với các loài cheo cheo khác.

Tổng cộng 1.881 tấm ảnh đã được chụp. Những con cheo cheo chủ yếu xuất hiện vào ban ngày. Chúng đi một mình trong 97% các chuyến viếng thăm, chỉ duy nhất 3% còn lại có hai cá thể cheo cheo cùng đến một lúc.

Cả thế giới vui mừng khi Việt Nam ghi nhận loài cheo cheo lưng bạc chưa tuyệt chủng sau 30 năm biến mất - Ảnh 2.

Tổng cộng 1.881 tấm ảnh đã được chụp. Những con cheo cheo chủ yếu xuất hiện vào ban ngày.

"Tôi đã rất ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết khi kiểm tra các bẫy camera và phát hiện hình ảnh của những con cheo cheo với hai bên sườn bạc", An Nguyen cho biết. Hiện không rõ có bao nhiêu cá thể cheo cheo lưng bạc còn sống, bởi chỉ dựa vào những tấm ảnh thì chưa đủ để đưa ra kết luận.

Nhưng có một tin vui là riêng trong khu vực khảo sát, số lượt viếng thăm lớn của những con cheo cheo lưng bạc gợi ý chúng vẫn còn khá đông.

"Tất nhiên, đó là một thông tin hết sức phấn khởi", Tilker cho biết."Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận ở đây để không đi đến kết luận. Chỉ vì loài động vật này có vẻ phong phú tại một khu vực, không nhất thiết là chúng vẫn tồn tại nhiều ở các khu vực khác trong phạm vi sinh sống. Để đánh giá tình trạng bảo tồn của loài vật này, chúng tôi sẽ cần thêm nhiều thông tin hơn".

Nhìn về phía trước, Tilker cho biết dù số lượng những con cheo cheo lưng bạc còn lại ở Việt Nam là bao nhiêu, chúng ta cũng cần có những biện pháp ngay lập tức để bảo vệ loài sinh vật nhỏ bé này.

Những con cheo cheo lông bạc được ghi nhận trở lại ở Việt Nam sau 30 năm

Đầu tiên là phải kiểm soát hoạt động săn bắt, chắc chắn loài cheo cheo lưng bạc bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hoạt động đặt bẫy của con người. Do dó, tăng cường hoạt động kiểm lâm và nâng cao ý thức động đồng là một biện pháp cần thiết mang tính bền vững.

Nếu chúng ta để loài cheo cheo lưng bạc nhỏ bé này bị tuyệt chủng, đó sẽ là một mất mát lớn. Giống như tất cả các loài động vật móng guốc khác, những con cheo cheo lưng bạc đang giúp các loài cây phân phối hạt giống, góp phần bảo vệ sức khỏe tổng thể của rừng nhiệt đới.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution khẳng định: Đây là một cơ hội thứ hai hiếm hoi mà chúng ta có được, để phát động lại một công cuộc bảo vệ cheo cheo lưng bạc giúp loài động vật này sinh trưởng ổn định, từ đó bảo vệ được sự đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới Việt Nam.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại