Cuộc đời người nghệ sĩ có vô vàn chuyện vui nhưng cũng không thiếu chuyện buồn. Có lúc khán giả cho nghệ sĩ những điều đẹp đẽ mà họ không đáng được hưởng nhưng cũng có lúc họ đẩy nghệ sĩ vào tình huống éo le, phiền phức, thậm chí oan ức mà nghệ sĩ không đáng bị như vậy.
Yêu thương... bất chấp!
Đào Vũ Thanh là Phó trưởng phòng nghệ thuật phụ trách cải lương tại Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Tiền Giang. Dù không được nhiều khán giả miền Bắc biết mặt nhớ tên nhưng đối với khán giả miền Nam, Đào Vũ Thanh là người nổi tiếng.
Cũng như nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác, Đào Vũ Thanh rất hay được bầu show ở địa phương mời hát. Người dân miền Tây nghe giới thiệu có Đào Vũ Thanh thì mê lắm, nhất là những người lớn tuổi mộ điệu ca cải lương.
Vậy là, lúc Đào Vũ Thanh vừa hát xong, khán giả bu lại nựng mặt, nựng má, nựng tay... Chỉ có điều, ai nựng cũng như "táng vào mặt anh". Họ nựng đã tay họ mà anh nhăn nhó đau đớn mặc kệ anh.
Đào Vũ Thanh bảo: "Họ thấy mình trên truyền hình cưng quá, được gặp trực tiếp nên thích, không kiềm chế được. Họ nắm tay, ôm hôn, nựng đau lắm nhưng tôi vui vẻ chịu hết.
Tôi lại có thói quen mặc đồ trắng. Người này vuốt, người kia ôm mà không dám phủi dù biết về nhà giặt gần chết mới sạch.
Nhưng đó là tình cảm khán giả dành cho Thanh và dành cho cải lương. Tình cảm đó cũng là động lực để Thanh sống chết với cải lương chứ không bao giờ bỏ".
NSƯT Thoại Mỹ và NSƯT Đào Vũ Thanh
Có lần Đào Vũ Thanh hát ở Đồng Tháp, một người phụ nữ lên tặng hoa, tặng tiền rồi hôn vào má anh. Anh nửa đùa nửa thật nói: "coi chừng Thanh bị uýnh ghen". Vừa dứt lời, một khán giả ở dưới đứng lên bảo "Tôi nè, hôn thoải mái. Cái này là ái mộ nghệ sĩ, không ghen tuông gì hết".
Nhưng cũng có lần anh bị ghen thật. Lần đó diễn ở Tiền Giang, một người phụ nữ nghe anh hát hay quá đem 20.000 đồng lên cho. Ông chồng thấy thế chửi vợ "Xin tiền mua rượu thì kêu không có mà lên tặng Đào Vũ Thanh 20.000". Khán giả cười rần rần còn nghệ sĩ không biết phải xử lý làm sao cho ổn.
Đào Vũ Thanh không bao giờ quên được show diễn ở Đồng Nai. Một khán giả bán vé số, mặc quần rách nhưng vì thương tiếng hát của anh, ông bốn lần lên tặng tiền mỗi lần 10.000 đồng.
Khi biết người đàn ông đó bán vé số, Đào Vũ Thanh đòi trả lại tiền nhưng khán giả không chịu nhận và nói "tôi nghèo thì nghèo mà chịu chơi vậy đó".
Là một ca sĩ thần tượng của giới trẻ, Thanh Duy Idol đương nhiên nhận được rất nhiều tình cảm yêu thương từ khán giả. Anh có nhiều khán giả trung thành và rất dễ thương. Thậm chí có những gia đình từ bố mẹ đến con cái đều mê Thanh Duy. Hễ anh hát ở đâu, người mẹ đó đều dắt con gái tới xem.
Nhiều khán giả lớn tuổi có chồng con nhưng sẵn sàng đi chung với đám fans là học sinh cấp 2, cấp 3 của Thanh Duy để cổ vũ cho anh. Lúc Thanh Duy bệnh, người khán giả lớn tuổi đó còn đem thuốc tới nhà cho anh uống.
Tết 2017, Thanh Duy biểu diễn ở sân khấu 126, nhiều khán giả gần như xếp hàng lên lì xì cho anh. Về nhà anh mở bao lì xì ra, 10.000 đồng, 20.000 đồng cũng có mà 100 đô cũng có.
Ca sĩ Thanh Duy Idol
Yêu quá hóa... phiền!
Nghệ sĩ nào cũng mong có được nhiều khán giả yêu thương mình nên họ luôn cố gắng để không bao giờ làm khán giả buồn lòng hay tự ái. Nhưng đôi khi, chính khán giả và sự ái mộ "quá khích" của họ cũng đem tới không ít phiền phức cho nghệ sĩ.
Hồi xưa Chí Tài rất thích ăn vặt những quán vỉa hè. Anh cho rằng ở Việt Nam đa số quán ăn vặt ngon đều là quán bình dân. Hơn nữa, cái cảm giác ngồi vỉa hè và nhìn xe cộ chạy qua chạy lại với anh rất thú vị và thoải mái.
Nhưng đã lâu rồi, anh không còn được "hưởng thụ" khoảnh khắc riêng tư đó nữa. Vì quá nổi tiếng và được nhiều người yêu mến nên chỉ cần Chí Tài ngồi một chút là có khán giả tới bắt chuyện. Một người rồi mười người rồi hơn thế nữa.
Chưa kể, "những ông nhậu" tay cầm cốc bia nhoáng mỡ tới mời anh uống. Không uống thì họ cho là chảnh chọe mà uống thì rất dễ gục tại chỗ. Bởi lẽ, người kia thấy người này mời được cũng mang bia tới mời. Uống với người này không uống với người kia, thì họ chửi nói anh khi dễ, thậm chí đòi đánh.
Sau này rút kinh nghiệm, anh hạn chế tới những quán nhậu bình dân, quán ăn vỉa hè. Lúc nào thèm quá thì đành tới mấy chỗ sang sang hoặc nhờ người đi mua về nhà ăn. Không chỉ Chí Tài, hầu hết các nghệ sĩ cả nam và nữ ít nhiều đều rơi vào tình huống tương tự.
Ca sĩ Vũ Hà
Nghệ sĩ Bạch Long kể, mỗi lần anh đi show tỉnh, khán giả thương anh lắm, đặc biệt là phụ nữ trẻ tuổi và người già. Thậm chí, họ xếp hàng chờ đến lượt mình đi ngang qua ô cửa sổ để được cầm tay, nựng má nựng mặt. Người cho nải chuối, người tặng trái dừa.
Thế nhưng thanh niên làng cũng không ít lần khó chịu ra mặt. Thậm chí có những người kiếm cớ say xỉn để tới tận chỗ anh ở kiếm chuyện, gây sự.
Nhắc về kỷ niệm đề đời thời mới làm nghề, Vũ Hà cho biết anh không bao giờ quên những ngày về các vùng quê hát, sân khấu được dựng bằng những tấm ván lủng lỗ ghép với nhau, quây bạt bán vé cho dân xem. Giới ca sĩ gọi là sân khấu chuồng gà.
Ca sĩ nữ mặc váy thường bị đám trẻ con cầm cành cây nhỏ đứng dưới gầm chọc lên qua những lỗ hở của các tấm ván. Còn những người thanh niên say xỉn không có tiền vào xem thì đứng ở sau ném đá. Có người trong ban nhạc bị đá ném trúng, đầu chảy máu còn Vũ Hà và Đàm Vĩnh Hưng vừa hát vừa né.
Anh kể thêm: "Đêm nào quảng cáo có ngôi sao mà không có hoặc ngôi sao đến trễ là bị một số phần tử quá khích nhào vô đánh. Họ leo lên sân khấu nhảy rầm rầm cho sập luôn..."