Từ những người ngồi trên những chiếc ghế nhựa thấp trên vỉa hè trong khi đang tán gẫu với bạn bè, đến những người thích các quán cà phê đắt tiền, sang chảnh quanh thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, họ đều có chung niềm yêu thích dành cho cà phê.
Tại Hà Nội, cái tên cà phê Giảng đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người, bởi sau đó là cả câu chuyện nhiều hơn một cốc cà phê.
Ở đây có thức uống gọi là "cà phê trứng", một đặc sản Hà Nội, là sự kết hợp giữa lớp kem trắng mềm được làm từ trứng gà hòa quện phía trên những ly cà phê Việt.
Cà phê trứng từ lâu đã trở thành thức uống quen thuộc của người Hà Nội.
Hiện tại cà phê trứng trở thành thức uống phổ biến khắp thành phố, có thể tìm thấy nó ở bất cứ đâu nhưng cà phê Giảng chính là nơi bắt nguồn của hương vị đặc biệt này.
Cà phê trứng
Bạn có thể chọn uống nóng hoặc lạnh.
Nếu chọn cà phê trứng "phiên bản lạnh", bạn sẽ được phục vụ một ly nhỏ bên trong là hỗn hợp pha chế có màu vàng. Ăn bằng thìa và hương vị của nó gần giống như một loại kem vị cà phê. Phiên bản này giống món tráng miệng hơn là cà phê.
Còn cà phê trứng nóng thì được đặt trong một đĩa nước nóng nhỏ để duy trì nhiệt độ của thức uống. Hương vị của loại cà phê "hạng nặng" nằm dưới đáy cốc, bên trên phủ bởi một lớp màu vàng khá dày và ngọt, nhưng không ngấy chút nào.
Bí mật gia đình
Ông Nguyễn Văn Đạo, chủ quán café Giảng rất tự hào khi được hỏi về thức uống nổi tiếng nhất của quán cà phê.
Nơi khởi nguồn của thức uống lạ miệng này.
Ông chia sẻ, bố của ông là cụ Nguyễn Văn Giang đã phát minh ra công thức sáng tạo này trong khi đang làm người phục vụ tại khách sạn Sofitel Legend Metropole vào năm 1946.
Thời điểm đó, tình trạng thiếu sữa tươi ở trong nước khiến cho trứng đã được dùng thay thế.
"Tất cả người nước ngoài và người Việt Nam trong khách sạn đều thích nó", ông Văn Đạo cho biết.
Cũng bởi vậy, bố của ông đã quyết định rời khách sạn để tạo thương hiệu riêng nhờ thức uống độc lạ này.
Cà phê giảng những năm 1946.
Khi được hỏi về công thức, ông Đạo liệt kê: "Trứng, sữa đặc, bột cà phê, một ít bơ, một ít pho-mát… nhưng tôi không thể nói với bạn về tất cả thành phần. Đó là công thức bí mật".
Sự khác biệt trong công thức của gia đình ông chính là điều mà những người khác cố gắng sao chép cũng sẽ không thể tạo ra được. Ông Đạo còn chia sẻ sẽ mở rộng thị trường khi cho ra đời cà phê đóng gói mang đi để phục vụ cho cả khách du lịch.
"Tôi chưa bao giờ thấy một du khách nào không thích nó"
Mark Lowerson, một hướng dẫn viên người nước ngoài đã từng đến rất nhiều quốc gia đã không thể ngừng chia sẻ về cà phê trứng với những du khách của ông khi họ đặt chân đến Hà Nội.
"Đối với đa số du khách của chúng tôi, cà phê trứng là một sự trải nghiệm đặc biệt", ông chia sẻ.
Theo Mark Lowerson thì: "Yếu tố wow của món ăn này rất cao, bởi khi tôi miêu tả cho những vị khách du lịch của mình, họ thực sự không hiểu nổi việc cà phê kết hợp với trứng.
Và rồi thì không có vị khách nào là không thích nó, họ thề là họ sẽ quay lại để ăn mỗi ngày khi ở Hà Nội. Thậm chí cả những người chẳng mấy khi uống cà phê cũng mê thức uống này".
Sự kết hợp giữa trứng và cà phê tạo nên hương vị khiến du khách mê mẩn.
Văn hoá cà phê Việt Nam
Will Frith, chuyên gia tư vấn về cà phê, người đã làm việc tại Đà Lạt cho biết, văn hóa cà phê của người Việt được ảnh hưởng từ Pháp.
"Người Pháp đã đưa cà phê vào Việt Nam, chủ yếu như một cách để cung cấp cho các cộng đồng thuộc địa của chính họ, khi Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các lực lượng kinh tế từ châu Âu - người Pháp vào thập niên 1860 đầu thế kỷ 20. Các xưởng sản xuất cà phê hòa tan - cà phê bắt đầu đi vào thành phố, nơi mà sự nổi tiếng đã tăng lên kể từ đó". – ông chia sẻ.
Ngày nay, văn hoá cà phê rất gắn bó với đời sống người Việt Nam. Frith giải thích: "Người lớn tuổi thích ngồi ở quán cà phê vỉa hè, hút thuốc và giao tiếp xã hội. Nhiều người sẽ nhâm nhi cà phê cả ngày".
Người trẻ Việt thì lại có những trải nghiệm ở nhiều quán cà phê mang phong cách Châu Âu, được trang trí bắt mắt với âm nhạc sôi động, phù hợp để giao lưu bạn bè.
Ảnh: CNN