Điều đáng sợ nhất trên đời là cô đơn
Tôi nhớ vào mùa mưa năm 1969, chúng tôi đang đứng chân ở chiến khu Đ. Khi Trung tá Phó tham mưu trưởng sư đoàn 5 Nguyễn Xuân Chuyên chiêu hàng, mọi vị trí trú quân của cả sư đoàn đều bị lộ.
Tất cả các đơn vị đều phải cấp tốc di chuyển địa điểm đóng quân. Trong hoàn cảnh vội vàng và khẩn trương để bảo vệ toàn bộ lực lượng.
Mỗi đơn vị (cấp đại đội) để lại một người quản lý mọi quân trang, quân dụng không thể đưa đi hết, để đêm hôm sau đơn vị trở lại vận chuyển tiếp.
Lúc đó tôi là cán bộ trẻ, lại đang trong thời kỳ thử thách để kết nạp Đảng, nên được đơn vị chọn cử ở lại trông coi vật tư, khí tài của đơn vị. Căn cứ khi chúng tôi đóng quân vui nhộn như thế nào, thì bây giờ vắng vẻ đến lạnh lùng.
Con suối hàng ngày chúng tôi vẫn vui đùa khi tắm, bây giờ tôi chỉ kịp chạy xuống lấy nước uống để lên ngay.
Suốt đêm tôi không tài nào ngủ được, ở trong hầm thì sợ hổ và rắn. Lên mặt đất thì sợ pháo bầy, biệt kích, trèo lên cây ngồi lại sợ ngủ quên rơi xuống đất.
Suốt ngày đêm chỉ ăn lương khô uống nước suối, nóng lòng chờ đồng đội. Đến lúc này tôi mới hiểu ra: Điều đáng sợ nhất trên đời là cô đơn.
Người có tư tưởng tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng
Kết thúc chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Bộ chỉ huy Miền điều động Thủ trưởng Trần Minh Tâm, sư trưởng sư đoàn 5 của chúng tôi về Miền để làm Phó Trưởng ban tổng kết chiến tranh.
Vốn là 1 người chỉ huy trận mạc rất giỏi, ông không muốn rời sư đoàn khi chiến tranh đang bước vào giai đoạn cuối, ác liệt và vẻ vang nhất.
Trong một lần ngồi uống trà, nói chuyện tếu với chúng tôi ông nói: "Có gì mà tổng kết, theo mình chỉ có một nguyên nhân thắng Mỹ là: Nhờ các chị đàn bà, mặc quần nâu, đi chân đất, chổng mông cấy lúa cho mà ăn, đẻ và nuôi con cho mà đánh. Thế là đủ để thắng đế quốc Mỹ thôi".
Đó là tư tưởng tôn vinh những người Mẹ của mọi người Lính có mặt ở chiến trường từ rất sớm, khi chưa kết thúc chiến tranh.
Để sau này trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước: Tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng.
Sài Gòn đêm toàn thắng
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, sư đoàn 5 chúng tôi được đứng trong đội hình Binh đoàn 232, do Thiếu tướng Văn Phác sau này là Bộ trưởng Bộ Văn hóa chỉ huy.
Nhiệm vụ của sư đoàn được Bộ tư lệnh Miền giao là giải phóng tỉnh Long An và tiến vào đánh chiếm 2 trung tâm đầu não của Ngụy quyền là: Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, sau khi cắt đứt đường số 4 lần 2 (lần 1 năm 1973) đánh chiếm các cầu: Tân An, Bến Lức.
Làm chủ hàng chục km đường 4 từ Mỹ Tho đến Bến Lức Long An, cả sư đoàn háo hức tiến vào Sài Gòn. Chúng tôi đã làm chủ tất cả các mục tiêu mà Bộ tư lệnh sư đoàn giao vào buổi trưa ngày 30/4/1975.
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái hào khí của giờ toàn thắng, khi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng. Đây là giây phút vẻ vang nhất của đời lính chiến.
Tất cả những ai đã hy sinh từ trận đánh mở màn chống Mỹ đều có mặt trong hào quang của ngày toàn thắng hôm nay.
Với chúng tôi, những người còn sống đều là những người vinh dự nhất, may mắn nhất. Từ trưa 30/4/1975 đến những ngày đầu tháng 5/1975, cả Sài Gòn cuồn cuộn dòng người, rừng cờ, biển hoa và tiếng reo hò vui sướng của quân dân ta không ngớt.
Chúng tôi được dân mời lên xe khi đi bộ, uống cà phê, ăn sáng không lấy tiền. Đêm thức mà ngày không buồn ngủ, ít ăn mà bụng vẫn no.
Đó là những ngày thăng hoa, đẹp nhất của người lính chiến không ai có thể lột tả hết được bằng lời. Trong không gian sôi động đó, tôi đã làm mấy vần thơ để lại như một kỷ niệm hiếm có của cuộc đời.
Sài Gòn - Đêm toàn thắng (Tháng 5/1975)
Vào Sài Gòn, chúng tôi làm quân quản
Hào khí Điện Biên, tràn về phố lớn
Ba mươi năm, dồn nén một ngày
Người và cờ, cuồn cuộn tung bay
Ta sống rồi, đẹp lắm hôm nay
Giờ giới nghiêm, quân ta vẫn thức
Hạnh phúc lớn, căng tràn lồng ngực
Bổng dưng nhớ những người đã khuất
Mong các anh về, vui cùng dân tộc
Bắc Trung Nam, cả nước một nhà
Đêm tuần tra, cho dân ngủ, theo ca
Ngày xuống phố giúp dân mình làm chủ
Đời lính sang trang, bao điều ấp ủ…
Sống cho mình mà ngỡ như mơ
Sài Gòn tháng 5, rực rỡ sao cờ
Khắc vào lòng người những nốt nhạc, vần thơ.
Sài Gòn, những ngày đầu toàn thắng