Cà phê, gỏi cuốn... Việt chập chững ra thế giới

Thanh Nhân |

Một số doanh nghiệp như Highlands, Wrap’n Roll, PNJ… đã bắt đầu tìm hiểu, chuẩn bị để nhượng quyền ra nước ngoài.

Các thương hiệu quốc tế lẫn khu vực đang ồ ạt "đổ bộ" vào Việt Nam thông qua nhượng quyền, mang lại nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp (DN) Việt và tạo điều kiện cho người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận những thương hiệu uy tín, chất lượng trên thế giới nhưng cũng tạo sức ép cạnh tranh lớn lên các thương hiệu nội địa.

Trong khi nhiều thương hiệu lớn trong nước vẫn còn e dè và thiếu kinh nghiệm khi mon men thăm dò thị trường nước ngoài, nhằm vươn đến thương hiệu toàn cầu.

Cà phê, gỏi cuốn... Việt chập chững ra thế giới - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phi Vân

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT công ty Retail & Franchise Asia, người có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực nhượng quyền – cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi về con đường vươn ra nước ngoài của các thương hiệu trong nước bằng con đường nhượng quyền.

Chuyển động ngành nhượng quyền thế giới và Việt Nam trong năm nay có gì nổi bật, thưa bà?

Việt Nam đang đứng thứ 8 trong 12 thị trường nhượng quyền tiềm năng năm 2017 và thuộc tốp những thị trường nhượng quyền hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến nay đã có gần 170 thương hiệu ngoại đăng ký nhượng quyền vào Việt Nam. Từ nay đến năm 2020 các thương hiệu từ Bắc Mỹ, Úc, châu Âu và cả Châu Á sẽ tích cực thâm nhập, khai thác thị trường Việt Nam.

Mức hấp dẫn của thị trường Việt Nam thể hiện rõ trong đợt hội chợ triển lãm về nhượng quyền vừa diễn ra tại Trung tâm Triển lãm SECC, quận 7 – TP HCM. Lần đầu tiên, chính phủ 4 nước Singapore, Philipine, Malaysia và Hàn Quốc có gian hàng tại triển lãm và kèm theo đó là các buổi giao lưu tìm cơ hội hợp tác với DN Việt.

Thị trường nhượng quyền Việt Nam vì vậy sẽ càng sôi động hơn trong thời gian tới và áp lực cạnh tranh dồn về DN Việt càng cao.

Cà phê, gỏi cuốn... Việt chập chững ra thế giới - Ảnh 2.

Cà phê Highlands muốn ra nước ngoài và trở thành thương hiệu toàn cầu. Ảnh: Hoàng Triều

Ở chiều ngược lại, đã có vài DN Việt chập chững nhượng quyền ra thế giới. Bà đánh giá thế nào về diễn biến này?

Khi các thương hiệu thế giới và khu vực – trong đó có nhiều DN quy mô nhỏ và vừa - dồn dập đổ vào Việt Nam thông qua nhượng quyền, bên cạnh áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, các DN Việt Nam bắt đầu nghĩ tới chuyện "đi ra". Thời gian gần đây, tôi thường nhận được câu hỏi từ các DN Việt xoay quanh việc làm sao đưa thương hiệu của họ ra quốc tế.

Một số DN như Highlands, Pho24, Wrap’n Roll, PNJ… đã bắt đầu tìm hiểu, chuẩn bị để nhượng quyền ra nước ngoài. Wrap’n & Roll đã ký hợp đồng nhượng quyền đầu tiên ra nước ngoài nhưng đang lúng túng không biết làm thế nào tốt nhất để tạo nền tảng phát triển tốt hơn.

Còn lại, đa số DN chỉ mới mon men tìm hiểu, chập chững làm quen và còn e dè vì chưa có nền tảng vững chắc, kế hoạch và chiến lược rõ ràng để bước ra thế giới. DN có mô hình tốt, thương hiệu tốt, chắc chắn sẽ có đối tác muốn mua nhượng quyền. Nếu cơ hội đến, DN chỉ nắm bắt cơ hội và bán nhượng quyền mà chưa có sự chuẩn bị, chưa có chiến lược phát triển thị trường quốc tế thì rất khó bền vững.

Bán nhượng quyền rất dễ nhưng cũng dễ thất bại, nếu thất bại thì chiến lược vươn ra thị trường thế giới sẽ sụp đổ hoặc rất khó khăn khi tái tung ra thị trường đó. Bài học thất bại của Pho24 trước đây vẫn còn đó nên DN Việt Nam e dè là hết sức đúng.

Vậy tương lai thương hiệu Việt "xuất ngoại" còn rất xa?

Như tôi đã nói, nếu thương hiệu có tiềm năng thì nhà đầu tư sẽ đặt vấn đề mua. Nhưng nếu người ta mua và mình chỉ đồng ý bán mà không có nền tảng đi kèm thì không đi xa được. DN Việt còn quá non trẻ trong lĩnh vực này nên chỉ có 2 lựa chọn: 1 là tự mày mò đi ra thế giới, tự trải nghiệm thực tiễn và đi lên từ những bài học thất bại. Cách này sẽ mất nhiều thời gian, nguồn lực. Cách thứ 2 là tìm đúng người "dẫn" đi.

Vì DN Việt không có kiến thức và kinh nghiệm trong ngành nên đi mua nhượng quyền để kinh doanh và học hỏi. Chúng ta đang bị bỏ lại khá xa, bây giờ mới bắt đầu mua nhượng quyền để học, vài năm sau áp dụng thì quá trễ.

Cạnh tranh trong nước và khu vực sẽ hết sức khó khăn. Chỉ có thể "đi" nhanh hơn nếu có chương trình hành động từ chính phủ. DN Việt Nam hết sức mù mờ về nhượng quyền, thiếu nền tảng nhưng không biết học về nhượng quyền ở đâu.

Nếu muốn nhanh thì chính phủ phải quan tâm đến ngành, tạo điều kiện tập hợp các chuyên gia ngành nhượng quyền vào hiệp hội hoặc tổ chức nhà nước nào đó để có những chương trình huấn luyện đào tạo DN, từ đó chọn ra những DN có tiềm năng để rút ngắn giai đoạn xây dựng họ thành những thương hiệu quốc gia có thể đi ra khu vực ngay lập tức.

Nếu làm quyết liệt thì trong 1-2 năm có thể đưa thương hiệu Việt nhượng quyền ra nước ngoài theo cách mà các quốc gia khác đang đưa thương hiệu họ vào Việt Nam.

Chưa đánh giá đúng vai trò ngành nhượng quyền

Tại Mỹ, ngành nhượng quyền đóng góp từ 6% - 7% GDP/năm, chính phủ Mỹ rất quan tâm hỗ trợ ngành này. Ngay cả 4 quốc gia tôi vừa kể trên cũng đã đánh giá ngành nhượng quyền là 1 trong những ngành kinh tế chủ đạo và đã xây dựng chương trình hỗ trợ cho DN nhượng quyền ra thế giới. Để có cuộc đổ bộ vào Việt Nam trong năm 2016 – 2017, họ đã chuẩn bị từ 4-5 năm trước.

Chẳng hạn chính phủ Malaysia từ 4 năm trước đã xây dựng chương trình, đào tạo huấn luyện DN vừa và nhỏ thành những mô hình và thương hiệu có thể đi ra thế giới. Trong 4 năm đó họ đã trải qua giai đoạn chuẩn bị, tái cơ cấu DN, xây dựng nền tảng về nhân sự, kiến thức và trải nghiệm cho DN; xây dựng và phát triển ổn định mô hình tại địa phương…

Trong khi các quốc gia rất quan tâm đến việc xúc tiến nhượng quyền vào Việt Nam thì nhà nước Việt Nam chưa đánh giá đúng đóng góp của ngành nhượng quyền. Nếu bây giờ Việt Nam mới bắt đầu thì 3-4 năm nữa DN Việt mới tiến ra thế giới nhưng tiếc là đến nay chính phủ Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ ngành nhượng quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại