Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề "Công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại và những lưu ý về tình hình dịch bệnh"
Trong Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề "Công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại và những lưu ý về tình hình dịch bệnh" diễn ra tối 26/11, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng và ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đã đăng đàn trả lời những thắc mắc của người dân.
Dịch trong tầm kiểm soát
Trả lời thắc mắc của người dân về số ca nhiễm có dấu hiệu tăng trong những ngày gần đây có phải chăng là do công tác kiểm soát dịch lỏng lẻo?. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết khi nới lỏng giãn cách và thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, TPHCM cũng khôi phục một số hoạt động kinh tế, song song với công tác phòng chống dịch.
Khi các hoạt động giao lưu tiếp xúc tăng, đã kéo theo số ca F0 tăng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hưng khẳng định số ca F0 mới tăng đã nằm trong dự báo và được TPHCM kiểm soát.
Cụ thể, TPHCM vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó rất quan trọng là bao phủ vắc xin ngừa COVID-19, nhất là cho đối tượng trẻ em từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, ông Hưng thừa nhận việc tiêm chủng vắc-xin không thể bảo đảm 100% không lây nhiễm.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM |
“Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đạt tiêu chí an toàn trong bộ tiêu chí an toàn thì mới được hoạt động. Bộ tiêu chí này chính là công cụ để TPHCM kiểm soát, giám sát các đơn vị này có hoạt động đúng hay không. Tuy vậy, phòng chống dịch không chỉ là việc của riêng cơ quan nhà nước mà còn cần sự tuân thủ của người dân và cộng đồng.
Người dân không nên lơ là chủ quan mà phải tuân theo các biện pháp phòng chống dịch của địa phương”, ông Hưng nhấn mạnh.
Đối với các trường hợp trẻ có chống chỉ định tiêm vắc xin, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM khuyến cáo phụ huynh cần đưa con đến trực tiếp các điểm tiêm để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán. Theo ông Hưng, chỉ có bác sĩ mới quyết định được trẻ có thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định tiêm hay không.
Trường hợp trẻ hoãn tiêm vì mắc các bệnh cấp tính thì sẽ được điều trị bệnh nền sau đó tái khám để chuẩn đoán việc tiêm chủng. Với những trẻ cần cẩn trọng khi tiêm, phụ huynh nên đưa trẻ tới các bệnh viện để được theo dõi sát sao trong quá trình tiêm chủng cũng như xử trí nếu không may trẻ có dấu hiệu sốc phản vệ.
Có phương án đảm bảo an toàn
Liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin cho học sinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết khi cho học sinh đi học lại, trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin cũng sẽ có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em.
Trường THPT chuyên Nguyễn Hữu Huân đo thân nhiệt cho học sinh trước khi các em vào lớp |
Theo ông Dương Trí Dũng, trong tháng 10 vừa qua, với quyết định bình thường mới và căn cứ tình hình dịch ở một số địa bàn, UBND TPHCM đã cho phép xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) thí điểm cho học sinh trở lại trường. Học sinh khối lớp 1, 2, 9 và 12 của xã này qua thời gian thực hiện học tập trực tiếp đã cho kết quả khả quan.
“Có học sinh tiếp xúc F1, F0 nhưng trường đã xử lý tốt… Sau thời gian cách ly, chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang trực tuyến, các em tiếp tục quay lại học trực tiếp. Hiện nay, 2 trường tại xã này chuyển trạng thái rất tốt, bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19. Ngành giáo dục sẽ báo cáo UBND TPHCM đề xuất học tập trực tiếp cho các địa phương khác”, ông Dũng cho hay.
Lãnh đạo Sở Y tế và GD-ĐT TPHCM cho biết đã tính toán các phương pháp, bộ tiêu chí bảo đảm an toàn và đã được UBND TP phê duyệt. Hiện nay, Sở Y tế đã hoàn thành cẩm nang hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 và đã chuyển sang Sở GD-ĐT để thống nhất và sẽ phát hành sớm nhất để phát cho phụ huynh và học sinh.
Trả lời một số ý kiến thắc mắc về xử lý các tình huống khi phát hiện có giáo viên hoặc học sinh là F0, ông Dương Trí Dũng khẳng định khi trường học mở cửa trở lại thì việc đầu tiên phải làm là xây dựng quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại trường học.
Quy trình này được thẩm định bởi các cơ quan ban ngành có chức năng liên quan. Ngoài ra, nhà trường phải tính toán trước tất cả các kịch bản có thể xảy ra nếu phải chuyển trạng thái hoạt động từ dạy trực tiếp sang trực tuyến (và ngược lại).
“Không có chuyện liên tục đóng cửa rồi lại mở cửa, sau đó lại đóng. Chỉ mở cửa khi đã thực sự an toàn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, mỗi trường học ở các địa phương sẽ có những đặc thù riêng do đó tùy vào tình hình thực tế mà mỗi trường học phải xây dựng phương án riêng, phù hợp trên các tiêu chí hướng dẫn của Sở Y tế TP cũng như Bộ Y tế trước khi có quyết định đưa học sinh trở lại trường.
Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM |
Ông Dương Trí Dũng thừa nhận, dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên, học sinh. Từ đầu mùa dịch, ngành giáo dục TPHCM đã chỉ đạo các trường phải quan tâm đến học sinh trong các khu phong toả, cách ly, chăm sóc sức khoẻ tâm thần để tránh sang chấn tâm lý cho các em.
Ngay khi đợt dịch thứ 4 xảy ra, một số học sinh có cha, mẹ, người nuôi dưỡng mất do COVID-19. Nỗi đau chồng nỗi đau. Sở GD-ĐT đã triển khai nhiều chương trình chăm sóc để các em sớm hoà nhập. Các sở ban ngành, quận huyện cũng đã có các chương trình, kế hoạch riêng chăm sóc cho các em học sinh mồ côi, có cha mẹ, người nuôi dưỡng mất trong đại dịch.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Sở Y tế đã làm việc với Đại học Y dược và một số bệnh viện để có những nghiên cứu về điều trị sức khoẻ tâm lý sau dịch bệnh.
Ông cho biết, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ người dân, không chỉ gây tổn thương, tử vong mà còn gây ra những sang chấn về tâm lý. Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện xây dựng đề án chăm sóc hậu COVID-19 để chăm sóc, tư vấn cho những người từng mắc COVID-19.
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, lộ trình mở cửa trường học như sau: Tập huấn cho cán bộ, giáo viên công tác phòng chống dịch vào đầu tháng 12, họp phụ huynh học sinh khối 9 và 12 trước ngày 5/12. Dự kiến, học sinh trở lại học trực tiếp từ ngày 10/12, đầu tiên là khối 9 và 12, tiếp đó mở dần các khối khác...