Cả nhà làm quan: Rất dễ dẫn đến lạm quyền

Luân Dũng (thực hiện) |

“Đã là lãnh đạo thì ông nào cũng muốn sử dụng quyền lực để phục vụ lợi ích cá nhân, cho gia đình họ. Điều quan trọng là anh có kiểm soát được quyền lực để họ không lộng quyền, lạm quyền hay không”, GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trò chuyện với Tiền Phong về vấn đề kiểm soát quyền lực, khi báo chí lên tiếng nhiều về tình trạng cả nhà làm quan.

Luật pháp còn nhiều khe hở

Vừa qua báo chí phản ánh tình trạng nhiều vị trí chủ chốt trong bộ máy ở huyện Kim Thành, Hải Dương đều do người trong một gia đình nắm giữ. Có nhiều ý kiến, quan điểm được đưa ra, còn ông thấy sao về việc này?

Trước tiên, vấn đề nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người nắm quyền lực nhà nước phải rõ ràng và minh bạch, để ai bước vào nắm giữ cương vị đó cũng không thể nào làm khác được.

Tôi ví dụ như ở Mỹ, những người thân tín của Tổng thống Donald Trump đều nắm quyền lực hành pháp. Thế nhưng ở đó trách nhiệm, quyền hạn của tổng thống được hiến pháp và luật của Mỹ quy định rất rõ ràng.

Với cơ chế kiềm chế và đối trọng, tổng thống không thể lạm quyền được.

Còn ở chúng ta do Hiến pháp và luật không quy định rõ ràng đầy đủ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, nếu rơi vào tình trạng đó thì rất dễ dẫn đến lạm quyền và lộng quyền.

Thưa ông, tình trạng “cả nhà làm quan” có lẽ không riêng ở Hải Dương. Vậy vì sao tình trạng này lại lan tràn như vậy?

Do người đứng đầu nắm giữ quyền lực nên ở chỗ này chỗ kia, ở tỉnh này hay tỉnh nọ còn có tình trạng đó, tức là đưa con đưa cháu, đưa anh em ruột thịt của mình vào giữ các cương vị trong bộ máy nhà nước.

Vấn đề đặt ra ở đây là phải kiểm soát cho thật tốt, để hạn chế lợi ích nhóm, hay lợi ích của người đứng đầu đó. Đã là lãnh đạo thì ông nào cũng muốn sử dụng quyền lực của mình để phục vụ cho lợi ích cá nhân, cho gia đình của họ.

Điều quan trọng là anh có kiểm soát được quyền lực để họ không lộng quyền, lạm quyền hay không.

Tôi còn nhớ một trong những tổng thống đầu tiên của Mỹ nói một câu rất hay là, đối với quyền lực nhà nước thì đừng nói nhiều đến lòng từ thiện của họ mà phải dùng hiến pháp và luật để buộc anh ta lại, để không cho anh ta làm điều xấu.

Còn với chúng ta quy định đối với người cầm quyền ở các cấp chưa thật đầy đủ rõ ràng và minh bạch, vì vậy vẫn có tình trạng lợi dụng chức quyền để làm những điều trái Hiến pháp, trái với nhiệm vụ quyền hạn được giao, như những trường hợp đưa người nhà vào nắm giữ các cương vị chủ chốt mà báo chí phản ánh.

Cả nhà làm quan: Rất dễ dẫn đến lạm quyền - Ảnh 1.

GS Trần Ngọc Đường.

Tạo môi trường công khai, dân chủ

Chúng ta đang thí điểm nhất thể hoá một số chức danh. Vậy điều này có mâu thuẫn với kiểm soát quyền lực không, thưa ông?

Khi bàn đến chuyện sắp tới có thể có chủ trương nhất thể hóa bí thư cấp ủy địa phương với chủ tịch UBND cùng cấp, việc này đã được bàn nhiều rồi, vấn đề ở chỗ làm thế nào để kiểm soát được quyền lực của người này sau khi nhất thể hóa.

Theo tôi, có mấy việc cần phải làm:

Trước tiên, phải hoàn thiện được thể chế pháp lý về nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của người này. Họ có quyền đến đâu, nhiệm vụ đến đâu và trách nhiệm đến đâu phải minh bạch rõ ràng.

Nếu hợp nhất, với tư cách là bí thư thì anh phải quy định rõ quyền hạn trách nhiệm đối với cấp ủy, với tập thể UBND cấp đó, trong đó có nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm trong việc cân nhắc, đề bạt về nhân sự.

Vấn đề này lâu nay chúng ta xác định không rõ nên cũng là một trong những nguyên nhân để người ta chạy chức, chạy quyền. Bởi vì lên càng cao mà trách nhiệm không rõ ràng, mà lại gắn với lợi ích nên người ta tìm cách chạy.

Còn nếu lên càng cao, quyền hạn, trách nhiệm càng nặng nề, người ta biết sức mình gánh không nổi thì sẽ thôi. Thứ nữa, thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước của nước ta hiện nay theo tôi chưa thật đầy đủ, chưa có hiệu lực và hiệu quả.

Ví dụ như HĐND giám sát hoạt động của UBND cùng cấp trong việc thực hiện chính sách pháp luật thì rất khó, mà phải là HĐND cấp trên giám sát UBND và người đứng đầu ở cấp dưới.

Thanh tra Chính phủ cũng như thanh tra của UBND các cấp cũng chưa thật hiệu quả với tư cách là một thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo đúng nghĩa.

Thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước phải là một thiết chế độc lập, đằng này thanh tra lại phụ thuộc vào người đứng đầu, chỉ đạo thanh tra vụ việc rồi về báo cáo, còn kết luận thì phụ thuộc vào người đứng đầu.

Ngoài ra cơ quan này cũng cần phải chủ động thanh kiểm tra hơn nữa, chứ không phải cứ có đơn khiếu nại tố cáo mới giải quyết.

Cùng với đó, cần phải coi trọng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên ngoài bộ máy nhà nước, như là Mặt trận, công đoàn, Đoàn thanh niên…phải đẩy mạnh và phát huy vai trò giám sát, phản biện để kiểm soát quyền lực nhà nước.

Và cái vô cùng quan trọng là vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, nếu không có kênh này sẽ rất khó kiểm soát người đứng đầu sau khi hợp nhất hai chức danh.

Rồi tình trạng anh em chia nhau, người chức này người chức kia trong một cấp vẫn diễn ra.

Cuối cùng, phải tạo ra một môi trường thực sự dân chủ, cởi mở, công khai minh bạch thì thể chế và cơ chế nói trên vận hành được.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, người đứng đầu phải luôn có trách nhiệm giải trình về việc của mình trước tập thể và trách nhiệm giải trình với các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, để người dân biết ông làm gì và làm như thế nào.

Cảm ơn ông.

"Tôi còn nhớ một trong những tổng thống đầu tiên của Mỹ nói một câu rất hay là, đối với quyền lực nhà nước thì đừng có kêu gọi lòng từ thiện của những người nắm quyền lực nhà nước mà hãy dùng hiến pháp và luật để buộc anh ta lại, không cho anh ta làm điều ác".

GS Trần Ngọc Đường

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại