Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Tỉnh đang thực hiện nghiêm việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó nội dung xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, lơ là khi làm việc với dân là một trong các nội dung được quan tâm đặc biệt.
Tỉnh cũng lập tổ đặc nhiệm để bắt tận tay cán bộ hành dân.
Đóng 200.000 đồng mới được làm giấy khai sinh
Một người dân ở huyện U Minh phản ánh họ đi làm giấy khai sinh cho con bị hành đi lại đến năm lần vẫn chưa xong.
Nhận tin, UBND tỉnh Cà Mau cử công chức thâm nhập thực tế, xác thực thông tin.
Ở lần thâm nhập thực tế này, vị cán bộ trong tổ đặc nhiệm tận mắt chứng kiến cảnh người dân phải nộp 200.000 đồng ngoài quy định cho “quan một cửa” mới được nhận giấy khai sinh cho con. Người dân yêu cầu được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ luôn thì cán bộ này từ chối, bảo “để từ từ”.
Ông “quan một cửa”, hành dân bị “chụp ảnh” trên là ông Trần Minh Tiến, công chức tư pháp hộ tịch của thị trấn U Minh. Sau khi có đủ chứng cứ, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo huyện U Minh và thị trấn U Minh xử lý.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Minh Cà, Chủ tịch thị trấn U Minh, huyện U Minh, xác nhận đã điều chuyển công tác ông Tiến qua bộ phận khác và đang thực hiện việc kiểm điểm.
“Vụ thu 200.000 đồng, ông Tiến đang làm giải trình, quy định thì không thu tiền gì cả khi làm giấy khai sinh. Còn việc gây phiền hà cho dân thì đã rõ. Ông Tiến đang bị kiểm điểm và sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp” - ông Cà nói.
Đóng cửa, bắt dân ngồi chờ
Sáng 1-11, đã hơn 8 giờ mà bộ phận một cửa của xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, Cà Mau vẫn đóng cửa. Một số phòng khác trong trụ sở xã này cũng trong tình trạng tương tự, trong khi có rất nhiều người dân đến làm giấy tờ phải ngồi chờ.
Được dân báo tin, chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo ngay các cơ quan thẩm quyền kiểm tra, báo cáo vụ việc về tỉnh. Tổ đặc nhiệm xác minh đúng như phản ánh của dân và lãnh đạo xã Tân Lộc Đông giải thích sáng 1-11, các cán bộ xã đi họp, đi tập huấn…
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, việc đóng cửa trong giờ hành chính, không dán thông báo hoặc báo bằng loa cho dân rõ, để dân phải chờ như vậy là không đúng.
Theo chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, để chấn chỉnh việc cán bộ hành dân, nhũng nhiễu, thực hiện nghiêm cải cách hành chính, tỉnh lập một tổ công tác gồm những công chức sạch, có kiến thức hành chính, pháp luật để đi thâm nhập thực tế ở những điểm nóng, nơi có tin báo của dân về việc cán bộ sách nhiễu, lơ là, không chăm lo việc của dân.
Theo Chánh Văn phòng Nguyễn Đức Thánh, những người trong tổ đặc nhiệm cũng tên Ba, tên Bảy, thằng Tèo, nhỏ Bé Hai đi cơ sở bằng xuồng, xe ôm, cũng khăn rằn vắt vai, quần xắn ống cao ống thấp như chú Năm, bác Bảy vậy!
“Cách làm việc của anh em là âm thầm tiếp cận toàn bộ sự việc dân phản ánh. Ghi nhận khách quan và báo cáo về để tỉnh chỉ đạo, xử lý kịp thời. Nhờ cách sống, cách đi, cách làm như thế của anh em tổ đặc phái mà các sai phạm của cán bộ cơ sở trong phục vụ dân, hành dân… khó mà… cãi lắm!” - ông Thánh nói.
• Tháng 10-2018, một cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh TP Cà Mau (thuộc Phòng Đăng ký đất đai của Sở TN&MT) nhận 3 triệu đồng của dân để làm giấy tờ. Người này đã bị khởi tố tội nhận hối lộ. • Tháng 9-2019, một phó chủ tịch phường của TP Cà Mau bị khởi tố vì nhận 5 triệu đồng của dân. • Tại Đà Nẵng, đầu tháng 11-2019, chủ tịch phường Tân Chính (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã xin lỗi một gia đình do cấp dưới của ông khiến gia đình đó nhiều lần tới phường chỉ để làm thủ tục đổi tên cho con. Cấp dưới hành dân này sau đó bị chuyển khỏi công tác tiếp dân. • Cũng tại Đà Nẵng, hồi tháng 10-2019, một cán bộ hộ tịch xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bị công dân phản ánh có thái độ gắt gỏng. Dù trần tình là “nói vui” song UBND xã sau khi làm rõ đã yêu cầu vị cán bộ phải liên hệ để xin lỗi người phản ánh. |