Thế giới ẩm thực ngày một phong phú hơn, người ta tìm ra nhiều thứ ngon và lạ. Nhưng có một món quà của sông nước miền Tây mà dù bạn đi hay ở, làm người lữ khách phương xa hay chôn nhau cắt rốn với nơi này thì cũng hằn vào lòng thứ hương vị khó quên. Đó chính là cá kèo.
Cá kèo - "Món quà quý" của miền Tây
Miền Tây hiền hòa, phóng khoáng được phủ đầy những hương vị đặc sản mới lạ dọc theo dòng Cửu Long giang hay Cần Thơ gạo trắng nước trong,... Cá kèo dường như đã trở thành thương hiệu đảm bảo cho gu ẩm thực mộc mạc nhưng đầy tinh tế của người dân Nam Bộ.
Cá kèo, còn được gọi là cá bống kèo do sở hữu ngoại hình tương tự như cá bống. Chúng có đầu nhỏ, miệng hẹp tù xuống, thân hình trụ dẹt dần về phía đuôi.
Cá kèo thường sống tập trung nơi các cửa sông, chủ yếu dưới lớp bùn đáy và đặc biệt chỉ sống ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh: @nhahangphuongnam
Không phải tự nhiên cá kèo được ưa thích như vậy. Được dung dưỡng từ nguồn nước giàu phù sa, thịt cá kèo thơm chắc, trắng ngon và giàu dinh dưỡng. Hương vị cá kèo bùi ngọt rất khó quên.
Loại cá kèo ngon thân mình ửng vàng, trụ dài, hai vây bụng dính vào nhau. Ngoài hương vị thơm ngon đặc trưng, giàu protein, cá kèo còn được nhiều thực khách “phải lòng” trên bàn nhậu vì chúng chứa ít chất béo nên dễ tiêu hóa.
Cá kèo chế biến món gì ngon?
Cá kèo chế biến kiểu gì cũng không mất vị thịt ngọt và thơm. Mỗi kiểu chế biến lại dẫn dắt thực khách đến một sắc thái khác nhau của của loại cá này. Cá kèo ăn lẩu thì ngọt ngậy, cá kèo nướng thì ngọt, đậm đà. Cá kèo kho rục thì bùi béo đưa cơm.
Cá kèo nướng muối ớt
Món ăn dân dã, quen thuộc với nhiều người dân Nam Bộ cũng như thực khách ba miền là món cá kèo nướng muối ớt.
Bạn có thể tìm mua được cá kèo tại nhiều cửa hàng hải sản, siêu thị, chợ đầu mối,... Cách thực hiện cá kèo nướng muối ớt cũng không quá khó khăn, chủ yếu trong quá trình nêm nếm cần định lượng được khẩu vị của người ăn, đồng thời canh lửa để cá không bị cháy.
Ảnh: @nhahangphuongnam, @quanchen
Nguyên liệu cần thiết để thực hiện món cá kèo nướng muối ớt gồm cá kèo tươi, muối ớt, que xiên, dầu ăn, xì dầu, ớt tươi, tương ớt.
Cá kèo mua về làm sạch bỏ nội tạng, để nguyên con. Rửa với nước cốt chanh hoặc giấm để bớt tanh và nhớt.
Băm nhỏ ớt, thêm tương ớt, muối, nước mắm cùng nước sôi để nguội pha chế thành bát nước mắm sóng sánh mà không bị quá mặn.
Đổ bát gia vị vào cá, thêm xíu dầu ăn. Trộn đều để cá ngấm gia vị.
Xiên cá vào que nhọn và nướng trên than hoa. Khi cá vàng nâu đều hai mặt và dậy mùi thơm là có thể thưởng thức.
Cá kèo nướng muối ớt có thể ăn kèm rau sống cùng nước mắm me chua ngọt.
Lẩu cá kèo lá giang
Dân gian từng có câu ca rằng:
“Cá kèo mà gặp mắm tươi
Như nơi đất khách gặp người cố tri”
Đây được coi là một bí quyết để thưởng thức chất lượng cá kèo ngon. Ngoài cá kèo nướng muối ớt thì lẩu cá kèo chính là cách ăn được nhiều người lựa chọn. Lẩu cá kèo có thể ăn với bông điên điển, lá giang, bông bí vàng, bông súng, rau đắng. Những loại rau ăn kèm đều là đặc sản miền Tây, không chỉ ngon mà còn mát lành, tốt cho sức khỏe.
Để câu chuyện trên bàn ăn vui vẻ và kéo dài hơn thì một nồi lẩu cá kèo chính là lựa chọn tuyệt vời. Khắp ba miền Bắc-Trung-Nam, bạn đều có thể tìm thấy nhà hàng có bán lẩu cá kèo. Nếu có thời gian, bạn có thể chuẩn bị nguyên liệu nấu một nồi lẩu cá kèo lá giang để chiêu đãi các thành viên trong gia đình.
Ảnh: @nhahangphuongnam
Để thực hiện lẩu cá kèo lá giang bạn cần chuẩn bị nguyên liệu gợi ý như sau:
Cá kèo: 1kg
Lá giang: 100g
Cà chua: 300g
Dứa: 150g
Mùi tàu, hành tím, tỏi, nước cốt me, gia vị cần thiết
Bún tươi sợi nhỏ/bánh đa khô để ăn kèm
Rau ăn kèm: Rau đắng, bông điên điển, bông súng, rau chuối bào, rau muống, rau rút,...
Cá kèo mua về rửa sạch, để ráo. Lá giang nhặt bỏ những lá sâu úa, rửa sạch, để ráo. Cà chua và dứa cắt miếng vừa ăn. Rau mùi cắt nhỏ. Hành tím thái lát, tỏi băm nhuyễn. Các loại rau ăn kèm nhặt rồi rửa sạch, để ráo.
Cho dầu ăn vào nồi, phi thơm tỏi và hành tím. Cho cà chua và dứa vào, xào đều. Hai thứ này giúp tạo màu và làm nước lẩu thơm hơn. Sau đó, cho nước cốt me và 2 lít nước lọc vào nấu đến khi nước trong nồi sôi.
Lúc này, vò nát lá giang cho vào nồi. Khi bếp sôi trở lại, nêm nếm cho vị vừa. Tắt bếp.
Ảnh: @quanchen
Khi nào ăn lẩu thì đun sôi nước trở lại, nhúng rau và cá kèo vào. Cá kèo còn sống thì khi cho cá vào nồi cần úp chặt vung. Bởi cá kèo quẫy rất mạnh có thể làm bật nắp nồi lẩu. Cá kèo chín mùi vừa thơm và ngọt, ăn kèm các loại rau đặc sản miền Tây thì hết sảy.