Hiện nay trên thị trường, thực phẩm đóng hộp đang ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại từ thịt, cá, rau củ cho tới hoa quả... nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Theo các chuyên gia, quá trình đóng hộp tùy thuộc vào loại thực phẩm nhưng về cơ bản có ba bước cơ bản là: chế biến, đóng hộp và tiệt trùng.
Tại sao thực phẩm đóng hộp lại được ưa chuộng?
Theo chuyên gia dinh dưỡng ThS-BS Trần Thị Hồng Loan (Viện Dinh dưỡng NutiFood):
"Thực phẩm đóng hộp tuy cung cấp các chất dinh dưỡng không bằng các loại thức ăn tươi nguyên nhưng giúp cho thời gian chuẩn bị các món ăn nhanh hơn, thuận tiện cho những người bận rộn hay khi đi du lịch, di chuyển trên tàu xe.
Chúng cũng đáp ứng nhu cầu sử dụng các thức ăn, hoa quả khi trái mùa, hoặc không an toàn (dịch bệnh) và thậm chí giá cả đôi khi còn rẻ hơn thực phẩm tươi sống".
Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng đồ đóng hộp sử dụng phương pháp nhất định có thể bảo quản thực phẩm trong thời gian kéo dài từ 6 tháng đến 3 năm, lâu hơn so với thực phẩm tươi mới.
Mặt trái của thức ăn đóng hộp
Mặc dù rất tiện dụng trong cuộc sống hối hả này nhưng thực phẩm đóng hộp luôn là mối lo ngại cho sức khỏe mà rất nhiều nghiên cứu và các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo.
Dù sử dụng thịt, cá hay hoa quả đóng hộp... đều là mối lo ngại cho sức khỏe. Ảnh: Internet
ThS-BS Trần Thị Hồng Loan (Viện Dinh dưỡng NutiFood) cho biết: "Đa số các chất dinh dưỡng chính như chất đạm, chất béo, chất bột đường, đa số các chất khoáng và các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K vẫn còn nguyên vẹn và không bị ảnh hưởng bởi quá trình đóng hộp, trừ một số loại vitamin tan trong nước như vitamin C và vitamin nhóm B có thể bị hao hụt khi sử dụng nhiệt độ cao trong quá trình đóng hộp.
Tuy nhiên, có một số nguy cơ đi kèm với việc tiêu thụ thực phẩm đóng hộp. Mà mối lo ngại hàng đầu của các chuyên gia chính là hộp đựng thực phẩm. "Chúng có thể chứa chất BPA - là một chất hóa học thường sử dụng trong lớp tráng vỏ hộp để giữ kim loại khỏi han gỉ, chất này có thể thôi nhiễm vào thực phẩm gây hại cho sức khỏe", BS Loan chia sẻ.
Thực sự có bằng chứng là BPA có thể can thiệp vào não và các hệ thống nội tiết tố. Một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Clinical Endocrinology cho thấy BPA có thể liên quan đến kháng insulin và béo phì ở phụ nữ.
Một nghiên cứu năm 2017 ở chuột thấy rằng phơi nhiễm BPA ở mức thấp trong thai kỳ có thể làm thay đổi cách cơ thể xử lý các tín hiệu từ hormone đói, gây rối loạn khả năng hiểu tín hiệu đói và no của não.
Các nghiên cứu khác thậm chí còn liên hệ mức độ phơi nhiễm cao với ung thư vú và các rối loạn chuyển hóa như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất là về phơi nhiễm BPA trong thai kỳ.
Ở người, phơi nhiễm BPA khi bào thai đang phát triển có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi (như tăng động và hung hăng), phát triển ngực muộn ở tuổi dậy thì, béo phì, tiểu đường, bệnh tim và thay đổi chức năng gan.
Thêm vào đó, trong một nghiên cứu mới nhất của Mỹ cho thấy cá ngừ đóng hộp có chứa hàm lượng kẽm lên đến 100 lần so với mức an toàn, điều này làm phá hủy sức khỏe con người.
Được biết khoáng chất này thường được sử dụng bên trong các hộp đựng thực phẩm để chống vi khuẩn, giúp kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm.
Các nhà nghiên cứu phân tích các lon ngô, cá ngừ, măng tây và gà. Những loại thực phẩm này được lựa chọn vì chúng có lượng kẽm thấp trong tự nhiên, cũng như thường được đóng gói trong các thùng chứa khoáng chất.
Kết quả cho thấy cá ngừ là thực phẩm đóng hộp bị ô nhiễm nhiều nhất, cá ở phần bên ngoài và giữa những lon này bị nhiễm hơn 5.000 ppm kẽm.
Thịt gà đóng hộp là thứ ô nhiễm thứ hai trong số những người được phân tích, theo sau là măng tây, có khoảng 2/3 mức kẽm của cá ngừ, còn ngô ngọt bằng 1/3 lượng cá ngừ đóng hộp.
Theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường (NIEHS), mặc dù BPA hiện diện ở nhiều nơi, bao gồm chất trám răng, dụng cụ y tế, đồ điện tử tiêu dùng và hóa đơn tính tiền, nguồn phơi nhiễm chính của chúng ta là thực phẩm.
Và lượng BPA mà bạn đang phơi nhiễm cũng khác nhau khá nhiều tùy thuộc vào thực phẩm. Năm 2009, Consumer Reports đã thử nghiệm 19 thương hiệu thực phẩm bao gồm súp, nước trái cây, cá ngừ và rau để xác định mức BPA. Những loại tệ nhất là đậu xanh và súp đóng hộp.
BS Hồng Loan cũng cho biết đối với những thực phẩm đóng hộp bị phồng, sứt mẻ, nứt hay bị rò rỉ có thể gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt nếu hộp bị phồng do nhiễm vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum thì có thể gây liệt hoặc tử vong (hiếm gặp).
Muối, đường, chất bảo quản thực phẩm và phụ gia có thể có trong thực phẩm đóng hộp cũng là là mối lo ngại.
Bởi thông thường hàm lượng chất béo và muối trong chúng khá cao, vì vậy khi sử dụng bạn cần cân nhắc vì nếu tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, tiêu thụ nhiều muối có thể gây cao huyết áp.
Chưa kể, một số đồ hộp sử dụng chất bảo quản và các chất phụ gia (tạo mùi vị…) không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không ghi nhãn mác đầy đủ nên có thể gây hại cho sức khỏe.
Đồ hộp chứa các chất béo, chất phụ gia và muối... không tốt cho cơ thể. Ảnh: Internet
Điều này cũng được ThS Đinh Đức Hiền (Bộ phận Công nghệ Sinh học, Viện Công nghệ thực phẩm, Hà Nội) trả lời với báo chí rằng:
“Vì đồ hộp là dạng bảo quản thức ăn lâu ngày ngay ở nhiệt độ thường nên chúng bắt buộc phải có các chất bảo quản, chất phụ gia, chất tẩy trắng nhằm tránh hỏng thực phẩm vì sự phá hủy của vi sinh vật.
Tất nhiên những chất này đều nằm trong danh mục cho phép về hàm lượng. Nhưng một khi đã dùng thường xuyên thì hàm lượng các chất này có thể tăng lên tích lũy trong cơ thể.
Khi bạn dùng đồ hộp mà hạn sử dụng không còn dài thì những chất ở hộp đựng có thể tiết ra - những chất này khi tích lũy với lượng lớn sẽ gây rất nhiều tác hại như tim mạch, thậm chí có thể gây ung thư ".
Do đó, lời khuyên chung của các chuyên gia đối với các gia đình là mua trái cây tươi và rau quả đông lạnh nếu có thể. Tránh thức ăn đóng hộp và chế biến sẵn.