Với kích thước kỷ lục từng được ghi nhận của con cá hô lớn nhất: Nặng 300kg, dài 3 mét, cá hô được xem là loài cá lớn nhất trong số các loài cá sông Mekong; được National Geographic mệnh danh là "Vua cá nước ngọt" (King of fish).
Mặc dù có kích thước cơ thể khổng lồ, song cá hô lại là loài cá "ăn chay", hiền lành và chẳng gây hại đến cho con người.
Một con cá Hô khổng lồ bắt tại Thái Lan. Ảnh: Anglingthailand
Cá hô - Loài cá sống chuyên "ăn chay" và vô hại với con người
Cá hô, tên khoa học là Catlocarpio siamensis, là một trong những loại động vật đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện, loài cá này đều đang nằm trong sách đỏ Việt Nam ở hạng mục Các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN); và trong sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) ở hạng mục Loài cực kỳ nguy cấp (CE).
Trên thế giới, cá hô phân bố chủ yếu tại các con sông lớn và các vùng ngập lũ ở các lưu vực sông Maeklong, Mekong và Chao Phraya ở Thái Lan, Campuchia, Lào.
Tại Việt Nam, loài cá phân bổ tự nhiên ở lưu vực sông Mekong này khi nhỏ sống ở đầm lầy, có thể thích nghi sống ở ao hồ. Khi lớn, chúng di chuyển đến vùng nước sâu và rộng hơn như lưu vực sông Mekong.
Vì có kích thước cơ thể khổng lồ nên nhu cầu kiếm ăn của cá hô rất lớn. Khi lớn dần lên, cá hô bắt đầu thay đổi tập tính ăn uống từ thực vật phù du sang tảo. Chúng ăn rất nhiều tảo mọc ở đáy nước.
Khi nhu cầu thức ăn chưa đủ, cá hô còn kiếm thêm các loại thực vật, cây cỏ ở sông nước để nạp năng lượng cho cơ thể khổng lồ. Chúng hiếm khi ăn các loài động vật nhỏ khác.
Nhìn chung, cá hô là loài cá di cư, chúng dành phần lớn thời gian để tìm kiếm và thu nạp thức ăn ở những vùng nước thuận lợi, nhằm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể.
Loài cá "thủy chung" chuyên đi "có đôi, có cặp"
Cá Hô tên khoa học là Catlocarpio siamensis, thuộc bộ cá Chép.
Ngoài đặc điểm về ăn uống, thì các nhà khoa học cho biết, cá hô cũng là một loài cá "thủy chung". Bởi cá hô thường sống theo cặp, từ việc kiếm ăn đến giao phối, sinh sản.
Về đặc điểm cơ thể bên ngoài thì phần mình của cá hô có 2 màu: Ở phần lưng có màu xám nhạt ánh bạt, còn phần bụng có màu trắng đục.
Phần đầu thường nổi trội hơn so với các phần khác của cơ thể. Mặc dù thuộc họ Cá chép (Cyprinidae) song cá hô không có râu.
Hiện nay, do nhiều yếu tố như ô nhiễm môi trường nước, giao thông đường sông tấp nập, đặc biệt là do bị đánh bắt quá nhiều nên số lượng và kích thước khổng lồ của cá hô bị suy giảm đáng kể.
Sách Đỏ của IUCN cho hay, số lượng cá hô ngoài tự nhiên sau hơn 30 năm qua ở vùng Đông Nam Á đã giảm khoảng 80 đến 95%.
Ngày nay, hiếm gặp con cá hô nào nặng 300kg và dài 3 mét nữa. Vào năm 1994, một con cá hô được xem là khổng lồ nhưng chỉ nặng được 150kg. Đến giờ, kích thước lớn nhất từng đo được của chúng là 1,8m.
Hình ảnh cá Hô (tên khoa học là Catlocarpio siamensis) thuộc trong danh sách Loài cực kỳ nguy cấp (CE) của Sách Đỏ IUCN. Ảnh chụp từ màn hình.
Liên quan đến cá hô, vào ngày 3/12, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cùng các chi cục thủy sản các tỉnh vùng Đông bằng sông Cửu Long có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn LOẠI cá hô ra khỏi Danh mục các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển (mà Bộ đã ban hành năm 2015) với lý do:
Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (huyện Cái Bè, Tiền Giang) đã cho cá hô sinh sản nhân tạo thành công.
Vì đặc điểm dễ thích nghi của cá hô mà Trung tâm này đã chuyển giao cá hô giống cho các hộ dân trong vùng nuôi thử nghiệm. Kết quả đáng mừng là, nhiều hộ đã mua cá hô giống để nuôi bán thịt.
Các nhà khoa học cho biết, thịt cá hô rất tốt, ngon, giàu chất dinh dưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Xem video:
Cá Hô - Loài cá "thủy chung" chỉ đi theo cặp. Video: Animal education
Bài viết tham khảo nguồn: Fishbase, Sách đỏ IUCN