Chỉ trong vòng 3 tháng, bờ biển Peru đã xuất hiện đến 3000 con cá heo chết dạt bờ. Riêng những ngày vừa qua, số lượng cá heo ngắc ngoải cũng lên đến 481 con.
Cụ thể thì theo báo cáo từ Peru 21 - một trang tin địa phương - các ngư dân tại Lambayeque (Bắc Peru) đã liên tục phát hiện xác cá heo dạt vào bờ biển, trung bình lên đến 30 con/ngày. Tốc độ chết của cá heo tại đây đang được đánh giá là thảm họa, và bởi vậy người dân Peru và các chuyên gia đang hết sức thắc mắc nguyên nhân xảy ra là gì.
Vậy rốt cục lý do là gì? Carlos Yaipen - chuyên gia sinh học tại Tổ chức khoa học bảo tồn động vật biển Peru cho rằng thủ phạm là các công ty khai thác dầu khí tại vùng biển này. Tuy nhiên, ảnh hưởng lại không đến từ dầu, mà vì các hoạt động thăm dò dầu khí sử dụng sóng âm.
Sóng âm là thủ phạm?
"Các công ty dầu khí sử dụng những sóng âm có tần số khác nhau. Hiệu ứng sóng âm gây ra sẽ không thể xác định rõ ràng, nhưng chúng gây hậu quả xấu cho động vật biển sau này. Không chỉ cá heo, mà những loài như hải cẩu, cá voi cũng có thể chết vì sóng âm" - Yaipen cho biết.
Năm 2003, các nhà khoa học từ Hội động vật học London đã đưa ra bằng chứng cho thấy sóng âm từ công nghệ của loài người có thể tạo ra những bong bóng khí siêu nhỏ chứa đầy nitrogen. Những bong bóng này có thể nhắm thẳng vào mạch máu và nội tạng quan trọng của động vật biển, khiến chúng rơi vào tình trạng nguy cấp một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng sóng âm do con người tạo ra có thể khiến động vật biển mất phương hướng, thậm chí gây xuất huyết nội tạng và tử vong.
Hiện tại chưa thể xác định công ty dầu khí nào đang gây ra thảm họa này. Tuy nhiên theo tờ Offshore Magazine - tạp chí về dầu khí tại Peru, thì tại khu vực này ít nhất có một công ty đặt trụ sở ở Mỹ đang thăm dò suốt những tháng đầu năm 2019.
Tham khảo: Green World Warrior