Hai vợ chồng có cùng triệu chứng, cùng mắc 1 bệnh ung thư
Khoảng một tháng trước, bà Trần, người Thiểm Tây (Trung Quốc) xuất hiệu triệu chứng ăn gì cũng bị nghẹn, ngay cả cháo cũng khó nuốt trôi. Ban đầu, bà cũng không quan tâm lắm, nhưng sau khi nghẹn nhiều, ăn cháo hay uống nước đều có cảm giác khác lạ.
Nhận thức được vấn đề có vẻ nghiêm trọng, bà cùng chồng đã đến khám tại khoa Ngoại, Bệnh viện Thái Hòa, Thiểm Tây (TQ) để kiểm tra chắc chắn. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán rằng bà có thể đã bị ung thư thực quản.
Theo kết quả nội soi y tế, thực quản của bà Trần được phát hiện có khối u kích thước khoảng 4-5cm, nhìn qua như chiếc đồng xu và bà được các bác sĩ chỉ định phải tiến hành một cuộc phẫu thuật.
Cùng với sự giải thích của bác sĩ, chồng bà, ông Trần cũng lo sợ rằng mình đã có một số triệu chứng bệnh giống vợ, nên được tư vấn cùng khám để biết rõ tình trạng sức khỏe.
Đáng tiếc là kết quả khám khiến ông bà vô cùng choáng váng vì bất ngờ. Cả hai vợ chồng đều bị ung thư thực quản, bệnh của ông nhẹ hơn của bà một chút nhưng cũng đã có dấu hiệu khối u bị loét và đang lan ra.
Ông bà Trần đang trao đổi cùng y tá tại bệnh viện (Ảnh minh họa)
Thủ phạm chính là thói quen ăn uống
Theo ý kiến của các bác sĩ BV Thiểm Tây, tỷ lệ mắc ung thư thực quản phần lớn xuất phát từ thói quen ăn uống không đúng cách.
Gia đình ông Trần xưa nay có thói quen ăn mặn, thích ăn các món muối chua, những món ăn được làm theo cách ủ mốc, đặc biệt là ăn rất nhiều ớt. Bên cạnh đó, vì muốn ăn thức ăn mềm nên khi nấu mì miến, ông bà thường có thói quen vừa để nồi trên bếp nóng vừa ăn cho mì nở mềm hơn.
Tất cả những yếu tố trên đều được các bác sĩ cho rằng chính là lý do liên quan lớn đến nguy cơ gây bệnh ung thư thực quản.
Nhiều nghiên cứu cho rằng, một số bệnh ung thư có thể là căn bệnh di truyền, nhưng một trong những nguyên nhân "di truyền" vô cùng quan trọng ở đây chính là thói quen ăn uống của từng gia đình. Từ bé đến lớn ăn uống như vậy sẽ thành thói quen, từ đời này truyền sang đời khác.
Theo các bác sĩ, những gia đình có thói quen ăn uống thiếu lành mạnh kéo dài, hoặc dùng cùng một món ăn nào đó không an toàn, sẽ có nguy cơ mắc ung thư "tập thể", trong trường hợp này không phải là do "di truyền".
Bác sĩ cũng khuyến nghị, những món ăn quá mặn, quá nóng, quá cay nếu ăn nhiều và thường xuyên có thể là nguyên nhân gây hại cho thực quản, chúng làm tổn thương thực quản một cách từ từ. Bên cạnh đó, nếu ăn uống mất cân bằng, thừa thịt thiếu rau quả cũng là nguyên nhân đi kèm gây ung thư.
Hãy thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ
Là một bệnh ung thư điển hình xuất phát từ lối sống thiếu lành mạnh, bệnh nhân ung thư thực quản có nhiều điểm chung là xuất phát từ chế độ ăn uống.
Các báo cáo cho thấy rằng, khi có hơn một thành viên trong gia đình bị ung thư thực quản, gia đình đó nên kiểm tra cẩn thận những thành viên còn lại để phòng tránh bệnh kịp thời.
Ngoài ra, để phòng tránh bệnh ung thư hệ tiêu hóa nói chung và ung thư thực quản nói riêng, mỗi gia đình nên thiết lập một thói quen ăn uống lành mạnh, đúng cách cho mọi thành viên trong gia đình ngay từ khi còn nhỏ. Để người đó lại làm trụ cột và thiết lập một thói quen tốt cho gia đình trong tương lai.
Cách phòng tránh ung thư thực quản
1, Hạn chế ăn muối và thực phẩm chứa nấm mốc như bắp cải muối, dưa chua và các món ủ chua, hun khói, chiên nướng già lửa, bị cháy. Tránh những loại thực phẩm có chứa chất nitrosamine gây ung thư và độc tố trong nấm mốc có thể gây ung thư đường tiêu hóa.
2, Nên có thói quen tập nhai kỹ khi ăn, ít ăn quá nóng, thức ăn cay đậm đặc quá mức để không làm kích thích, gây hại thực quản.
3, Không hút thuốc, uống rượu càng ít càng tốt.
4, Duy trì chế độ ăn uống cân bằng để đảm bảo cân đối thực phẩm đầu vào gồm vitamin A, C, E và molypden, kẽm, magiê, selen và các nguyên tố vi lượng khác.
Ngoài ra, những người có lịch sử gia đình có người bị ung thư thực quản, tổn thương thực quản bẩm sinh và những người đã bị viêm thực quản, nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm.
*Theo Health/TT