Cuộc chiến âm thầm của bác sĩ
Theo Giáo sư Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ca ghép phổi cho bệnh nhân Đ. được coi là dấu mốc quan trọng trong chuyên ngành ghép tạng ở nước ta. Ca ghép của bệnh nhân Đ. hết sức đặc biệt bởi đây là ca ghép cấp cứu. Mọi chỉ số của bệnh nhân lúc ghép đều tồi tệ.
Thậm chí, các chuyên gia của Đài Loan còn cho rằng không thể ghép tạng trong tình trạng như thế. Bệnh nhân Đ. mắc bệnh mô bào ở phổi, một dạng bệnh ung thư rất đặc biệt và không có giải pháp điều trị triệt để, đã phải truyền hóa chất nhiều đợt nhưng tiên lượng sống rất thấp chỉ tính bằng ngày, bằng giờ.
Đến ngày 12/12/2018, anh Dương Hồng Q.43 tuổi – quê Ninh Bình qua đời và hiến đa tạng. Các bác sĩ đã quyết định thực hiện ca ghép phổi cho Đ. Đây ca ghép hai phổi đầu tiên của Bệnh viện Việt Đức được thực hiện thành công do chính các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức thực hiện.
Bệnh nhân Đ. sau 8 tháng đang dần bình phục
Đến nay, phổi ghép của bệnh nhân này vẫn hoạt động tốt và bệnh nhân tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng hô hấp. PGS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực của Bệnh viện Việt Đức cho biết đến nay 10 tạng bị suy trước lúc ghép phổi, giờ đã có 8-9 tạng tốt lên rất nhiều, chức năng tim, gan, thận tốt lên thấy rõ, hiện chỉ còn 1-2 tạng đang dần hồi phục.
Suốt thời qua, không chỉ riêng các bác sĩ của Khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực phải theo sát bệnh nhân mà đây là quá trình theo dõi, chăm sóc và điều trị của tất cả các Khoa, phòng liên quan của Bệnh viện cũng như của gia đình bệnh nhân.
8 tháng qua, PGS Ước cho biết là quãng thời gian dài và hết sức cam go và cuộc chiến âm thầm của các bác sĩ để theo dõi cho cháu Đ. và điều trị toàn diện.
5 tỷ đồng để chạy chữa
Theo Giáo sư Nguyễn Tiến Quyết – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ca ghép phổi cho bệnh nhân Đ. có nhiều điều đặc biệt và đến nay sau 8 tháng điều trị liên tục, chi phí cho ca bệnh này đã lên tới 5 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này có từ nhiều nguồn trong đó có kinh phí được nhiều quỹ từ thiện hỗ trợ bệnh nhân Đ.
Đến nay, ghép phổi vẫn là một kỹ thuật ghép tạng khó nhất do phổi không giống các tạng khác, phổi là cơ quan hô hấp đảm bảo oxy cho cơ thể. Để thực hiện ca ghép phổi đòi hỏi các bác sĩ phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, của người nhận rất chặt chẽ.
Các chuyên gia của BV Việt Đức chia sẻ thông tin về ca ghép phổi đã thực hiện tại Bệnh viện
PGS Nguyễn Hữu Ước cho biết khó từ việc lấy phổi của người hiến phức tạp hơn tim rất nhiều. Khi lấy phổi đến ghép, bác sĩ đã phải xây dựng quy trình cả trăm bước khác nhau, khi thực hiện phải thống nhất quy trình đó. Trong quá trình mổ phải phối hợp từng giây, từng phút giữa phẫu thuật viên, gây mê phải đồng nhất, đúng vị trí.
Nếu chỉ lấy ở người hiến đơn tạng như tim, gan, thận sẽ đồng nhất hơn còn lấy phổi thì yêu cầu lấy phổi ghép cao hơn. Trước khi chết não, giai đoạn hồi sức làm không tốt như áp lực đường thở, các thuốc điều trị nếu không đảm bảo có thể làm hỏng phổi nên cần phối hợp nhịp nhàng cả chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Bởi điều này liên quan đến tim mạch, nhiễm khuẩn và rất nhiều vấn đề khác.
Khi đã ghép được rồi, việc chăm sóc phổi được ghép thành phổi khỏe, đủ chức năng cũng rất khó, bởi khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các tạng khác.
Từ ngày 12 – 18/8, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cũng phẫu thuật ghép tạng được 16 ca trong đó có 2 ca chết não hiến đa tạng và ghép được phổi cho một bệnh nhân 38 tuổi, sống ở Hà Nội.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nếu ở giai đoạn cuối người bệnh sẽ có chỉ định ghép phổi. Ngoài ra có một số bệnh cũng được chỉ định ghép phổi như bệnh nhân bị xơ phổi, xơ nang phổi giai đoạn cuối ... Việc thực hiện thành công các ca ghép phổi cũng như nguồn hiến từ người cho chết não ngày càng tăng sẽ là cơ hội mang lại sự sống cho rất nhiều bệnh nhân chờ ghép.