Theo RT, cuộc không kích vào căn cứ Al-Watiya hôm 5/7 đã giáng một đòn mạnh vào kế hoạch thao túng cuộc chiến ở Libya của Ankara, không những thế quân Thổ Nhĩ Kỳ còn chịu thiệt hại nặng trong cuộc tấn công này.
Cuộc không kích đã phá hủy nhiều hệ thống phòng không tầm trung MIM-23 Hawk cũng một số loại vũ khí vừa được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tới Al-Watiya.
Một nguồn tin quân sự giấu tên nói với RT rằng, hành động trên là một lời cảnh báo giành cho Thổ Nhĩ Kỳ, để Ankara biết đâu là giới hạn để dừng lại nếu không muốn tiếp tục hứng chịu các cuộc tấn công như hôm 5/7 vừa qua.
Theo truyền thông Nga có ít nhất 4 chiếc tiêm kích MiG-29 của Không quân LNA tham gia vào chiến dịch không kích Al-Watiya, tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng.
Cũng theo nguồn tin này, "lằn ranh đỏ" mà Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đặt ra đối với lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hay Thổ Nhĩ Kỳ không phải là câu nói đùa.
Theo như nguồn tin của RT, Ai Cập có ít nhiều liên quan đến cuộc tấn công vào căn cứ Al-Watiya vừa qua, bởi Cairo công khai đứng ra ủng hộ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar chống lại GNA cũng như người Thổ.
Còn theo chuyên gia quân sự người Ai Cập Mohamed Al-Kenany, cuộc không kích hôm 5/7 đã làm phá sản kế hoạch biến Al-Watiya thành một căn cứ không quân liên hợp mà Ankara đang ấp ủ.
Ông Al-Kenany cũng nói thêm rằng, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa đến Al-Watiya các hệ thống phòng không tốt nhất mà họ có, giờ đây khi các loại vũ khí này bị kẻ thù đánh bại Ankara lâm vào tình cảnh không còn gì để đối phó với các cuộc tấn công sắp tới.
Ngoài MIM-23 Hawk, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn có các hệ thống phòng không nội địa như Hisar-A (tầm thấp) và Hisar-O (tầm trung) nhưng chúng đều trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được đưa vào trang bị chính thức. Còn hệ thống phòng không tầm xa S-400 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Việc các hệ thống phòng không Hisar chưa sẵn sàng để biên chế cũng là lý do khiến Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp tục sử dụng MIM-23 Hawk, thế nhưng dù có nâng cấp tới mấy thì hệ thống phòng không "già cỗi" này vẫn không thể đảm đương nhiệm vụ đối phó với các cuộc tập kích đường không trong môi trường chiến tranh hiện đại.
Ví dụ rõ nhất là cuộc không kích Al-Watiya vừa qua, các hệ thống MIM-23 Hawk gần như không có phản ứng khi máy bay địch tiếp cận căn cứ. Còn kết thúc sau đó thì như chúng ta đã biết có ít nhất bốn hệ thống MIM-23 Hawk của Thổ ở Al-Watiya bị phá hủy.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, các thế lực đứng sau hỗ trợ LNA tấn công Al-Watiya có thể đã sử dụng vũ khí tấn công ngoài tầm nhìn (standoff) để tiêu diệt các hệ thống MIM-23 Hawk ở Al-Watiya như cách Israel từng làm để vô hiệu hóa các trận địa phòng không của Syria.
Về cơ bản, việc sử dụng các loại vũ khí tấn công tầm xa giúp bảo vệ chiến đấu cơ an toàn trước hệ thống phòng không của đối phương, mặt khác giúp nó giữ bí mật danh tính cho nhóm máy bay. Cho đến nay vẫn chưa rõ loại máy bay gì đã được LNA và đồng minh sử dụng để tấn công Al-Watiya.
Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Al-Kenany, việc ai hay vũ khí nào đã được sử dụng để tấn công Al-Watiya không quan trọng bằng việc cuộc không kích tác động đến cục diện chiến trường Libya ra sao và ảnh hưởng của nó đến lợi ích của các bên lớn tới đâu.