Từ cổ chí kim, lịch sử Trung Hoa không thiếu những bậc trung thần công lao cái thế. Trong số đó, hậu thế từ lâu đã quen thuộc với những tên tuổi như Hải Thụy, Vu Khiêm, Vương An Thạch…
Câu chuyện về những vị quan trung lương này không chỉ được xem là chủ đề cảm khái của nhiều người trong lúc trà dư tửu hậu mà còn trở thành giai thoại khiến hậu thế nhiều đời truyền lưu và noi theo.
Dĩ nhiên, bên cạnh những công thần nổi tiếng, vẫn có không ít các bậc trung lương mà người đời ít ai biết mặt gọi tên. Một trong số đó chính là trung thần nhà Đông Tấn – Biện Khổn.
Điều đáng nói nằm ở chỗ, giai thoại về vị quan họ Biện vốn không nhiều, nhưng trong số những câu chuyện ít ỏi đó, nổi tiếng nhất phải kể tới bí ẩn liên quan tới ngôi mộ kỳ bí của ông.
Tương truyền rằng, bí mật nằm trong quan tài của Biện Khổng từng khiến mộ tặc vô cùng kinh hoàng, sợ hãi.
Vị trung thần văn võ song toàn hiếm có trong lịch sử Trung Hoa
Biện Khổn (281 – 328), thường bị gọi nhầm thành Biện Hồ. Ông là đại thần nhà Đông Tấn, nổi tiếng là người công chính, liêm minh, hiểu lễ nghĩa, không hề sợ cường quyền.
Nhắc tới vị trung lương này, nhiều người sẽ không khỏi cảm thấy lạ lẫm, thậm chí còn cho rằng tên gọi của ông có phần kỳ lạ. Kỳ thực, cuộc đời của Biện Khổn cũng có không ít những chuyện kỳ lạ hệt như tên gọi ấy.
Bức tượng tưởng niệm Tể tướng Biện Khổn. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Sinh thời, Biện Khổn từng làm quan tới chức Tể tướng. Mặc dù cấp phẩm rất cao, nhưng ông không bao giờ tỏ thái độ kiêu ngạo, lại rất mực lễ nghĩa, khiến triều đình trên dưới ai ai cũng tôn kính.
Chức quan của Biện Khổn hoàn toàn có thể mang lại cho ông một cuộc sống đầy đủ sung túc. Nhưng trong thực tế, vị quan họ Biện này lại là một quan viên thanh liêm luôn giữ vững lập trường của mình
Dù cấp phẩm cao, nhưng sự thực là Biện Khổn ăn mặc lại chẳng khác bình dân bách tính là bao. Điều này quả thực hoàn toàn trái ngược so với bè lũ quan viên phô trương, lãng phí trong triều lúc bấy giờ.
Năm xưa, Biện Khổn còn có một điểm rất giống với bậc trung thần nổi tiếng Minh triều là Hải Thụy. Đó là cả hai người luôn giữ thái độ từ chối mỗi khi được Hoàng đế ban thưởng vàng bạc.
Có thể nói, hành động này của họ chính là tấm gương điển hình cho đức tính thanh chánh, liêm khiếp của bậc trung lương thời xưa.
Sự lễ nghĩa, liêm chính của Biện Khổn khiến ông được rất nhiều người kính trọng và ngưỡng mộ. (Tranh minh họa).
Lòng trung của Biện Khổn không chỉ thể hiện qua lời nói, cử chỉ, mà ngay tới cái chết của ông cũng xuất phát từ việc cúc cung tận tụy vì xã tắc.
Bấy giờ, Biện Khổn giữ chức Tể tướng, vốn được xếp vào hàng ngũ quan văn. Nhưng võ thuật của vị trung thần này lại vô cùng lợi hại, hoàn toàn đủ sức mang binh đi đánh giặc.
Khi đó, vì bình định phản loạn ở Thanh Khê, Biện Khổn đã dẫn hai người con trai của mình để xuất chinh dẹp loạn.
Biện Khổn và hai người con trai của mình đã thân chinh dẫn quân dẹp loạn Tô Tuấn. (Ảnh minh họa).
Chỉ tiếc rằng trời cao đố kỵ anh tài, vị quan họ Biện ấy cuối cùng lại phải chịu cảnh da ngựa bọc thây. Hai người con trai của ông cũng hy sinh vì đất nước.
Ba cha con nhà họ Biện ngã xuống cùng một ngày. Sự hy sinh vì giang sơn xã tắc của họ khiến người đời không khỏi liên tưởng tới dòng họ Dương gia tướng anh hùng…
Giai thoại về lăng mộ từng sở hữu một thứ khiến mộ tặc khiếp đảm
Biện Khổn cả đời công chính liêm minh, sau lại xả thân vì xã tắc. Nhưng điều bất hạnh nằm ở chỗ, ngay cả khi đã an nghỉ, giấc ngủ ngàn thu của vị trung thần này vẫn nhiều lần bị mộ tặc quấy phá.
Theo các nguồn ghi chép sử liệu, lăng mộ của Biện Khổn không ít lần bị trộm mộ ghé thăm. Đồ tùy táng bên trong thậm chí đã bị kẻ gian vét sạch tới không còn gì.
Biện Khổn hi sinh thân mình vì xã tắc. Thế nhưng ngay cả khi đã an nghỉ, giấc ngủ ngàn thu của ông vẫn bị không ít kẻ gian tới quấy phá. (Ảnh minh họa).
Sau này, nhiều Hoàng đế của các triều đại đều phái người đi tu sửa nơi an nghỉ của vị trung thần họ Biện.
Trải qua nhiều lần đổi dời, lại thêm thời thế thay đổi, cho tới ngày nay, mộ Biện Khổn chính xác nằm ở đâu đã trở thành một bí ẩn lịch sử. Dù vậy nhưng giai thoại kỳ bí về lăng mộ của ông thì vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay.
Tương truyền rằng, năm Nghĩa Hi thứ 9 dưới thời Tấn An Đế (tức năm 413), có mộ tặc cả gan đào mộ Biện Khổng. Nào ngờ khi mở quan tài gỗ để lấy vật tùy táng, kẻ này đã lập tức bỏ chạy vì hoảng sợ.
Điều này khiến hậu thế không khỏi nghi ngờ, phải chăng lăng mộ của Biện Khổn ẩn chứ một bí mật khiến người khác không khỏi kinh hoàng bạt vía?
Điều gì khiến lăng mộ Biện Khổn từng làm cho mộ tặc phải khiếp đảm? (Ảnh minh họa).
Trên thực tế, thứ khiến kẻ gian hoảng sợ tháo chạy lại chính là thi hài của vị trung thần họ Biện.
Cũng theo giai thoại kể trên, kẻ gian sau khi mở nắp quan tài thì thấy thi thể Biện Khổn vẫn nguyên vẹn hệt như khi còn sống, móng tay mọc dài, hai tay nắm chặt thành hình nắm đấm, tư thế giống như thủ thế để sẵn sàng nghênh đón, chiến đấu với kẻ địch.
Theo quan niệm dân gian thời xưa, hiện tượng này chỉ xuất hiện ở thi hài của những người hiền lành, lương thiện. Vì vậy rất có thể mộ tặc nhìn thấy thi hài Biện Khổn vẫn nguyên vẹn như khi còn sống nên sinh lòng kính sợ, vội vã bỏ chạy thục mạng.
Từ đó có thể thấy, Biện Khổn chính là một vị quan thanh liêm vô cùng nhất quán. Bất luận là hành động hay tư tưởng của ông đều tỏ rõ khí khái của sự thanh bạch, liêm chính, nên thi hài mới nguyên vẹn tới vậy.
Sau này, rất nhiều vua tôi các triều đại khác đều khâm phục sự liêm chính của trung thần họ Biện, nhiều lần tế bái và tu sửa phần mộ của ông.
Ngay tới khai quốc Hoàng đế nhà Minh là Chu Nguyên Chương cũng từng vì khâm phục khí khái của Biện Khổn mà cất công xây dựng bên cạnh mộ phần của ông một giếng nước. Chiếc giếng này được người đời sau gọi là "giếng Trung Hiếu". (Ảnh minh họa).
Ở vào thời đại xả thân vì nghĩa, Biện Khổn cùng những người con của mình đã hy sinh thân mình để trả nợ cho giang sơn xã tắc.
Trước cái chết của ba cha con trung thần, nhiều người cho rằng đó là "trời cao đố kỵ anh tài". Nhưng tựu chung lại, sự tận trung vì nước của Biện Khổn cùng các con chính là minh chứng cho tấm lòng hiệp nghĩa, liêm minh của bậc trung thần nghĩa sĩ.