Từ Hi Thái hậu là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, hậu thế ít nhiều cũng có một sự hiểu biết nhất định về bà.
Từ ngày 2/11/1861, sau khi Tân Tây chính biến thành công (cuộc đảo chính do Từ Hi, Từ An và Cung Thân vương cầm đầu sau cái chết của Hàm Phong đế), cho đến ngày 15/11/1908 qua đời, Từ Hi đã ba lần buông rèm nghe chính, cai trị nhà Thanh trong 47 năm.
Nói về Từ Hi, hầu hết ai cũng cho rằng bà là người khát khao quyền lực mạnh mẽ, giỏi thao túng triều đình, một tay che trời, hỉ nộ bất thường, mưu kế âm hiểm, thủ đoạn độc ác.
Tuy nhiên, qua những sự kiện được ghi lại trong sử sách và đánh giá của chuyên gia, công bằng mà nói, Từ Hi là một người cai trị cực kỳ thông minh, rất có “tâm kế”, giỏi dự đoán thời thế, hơn nữa còn sử dụng tốt quyền lực trong chế độ phong kiến.
Bất kể ra sao, Từ Hi Thái hậu vẫn được công nhận về năng lực thống trị và tài sử dụng quyền lực chính trị. Thế nhưng bạn có bao giờ thắc mắc về trình độ học vấn cũng như văn hóa của Từ Hi không?
Trong một số ghi chép dã sử và nhiều tác phẩm hiện đại, Từ Hi hiện lên là người sở hữu học thức uyên bác, đa tài đa nghệ, tinh thông cầm kỳ thi họa, là một tài nữ chính hiệu.
Tuy nhiên, tài liệu chính sử không có quá nhiều ghi chép về trình độ học vấn của Từ Hi cũng như tác phẩm để đời, không giống như Càn Long - người đã sáng tác ra hàng nghìn bài thơ. Theo đó, trình độ của Từ Hi được đánh giá chỉ ở mức bình thường, chỉ là do phong cách sống xa hoa đã khiến hậu thế lầm tưởng bà rất uyên bác và tài năng.
Song ít ai biết rằng Từ Hi từng viết một bài thơ, mặc dù không ẩn ý tài tình hay thâm sâu khó đoán, nhưng đã được lưu truyền cho đến ngày nay, đi vào sách giáo khoa tiểu học, gần như trở thành một kinh điển.
Năm đó là đại thọ 70 tuổi của mẹ Từ Hi. Phận làm con gái, bà đương nhiên phải chuẩn bị kỹ càng. Nhưng không may là ngày tổ chức đại thọ lại đúng vào ngày đại sứ nước ngoài đến thăm.
Từ Hi là Thái hậu nắm quyền triều chính, bất kể xuất phát từ lễ nghi hay phương diện chính trị đều cần đến sự có mặt tiếp đón của bà, nên đành bất đắc dĩ vắng mặt tiệc đại thọ của mẹ.
Mặc dù thế, Từ Hi cũng đã gửi rất nhiều quà mừng thọ cho mẹ. Trong đó ngoại trừ vàng bạc châu báu ra, Từ Hi còn viết một bài thơ đính kèm.
Bài thơ đó được viết như sau:
Tình phụ mẫu là chân thật nhất trên thế gian,
huyết lệ hòa vào thân nữ nhi,
tận sức tận lực phận làm con,
đáng thương cho lòng cha mẹ trong thiên hạ. (Tạm dịch)
Đây có lẽ là bài thơ duy nhất trong cuộc đời Từ Hi, nhưng một câu "đáng thương cho lòng cha mẹ trong thiên hạ" đã trở thành kinh điển, lưu truyền cho đến ngày nay và xuất hiện trong giáo trình bậc tiểu học ở Trung Quốc.
Trẻ em không thể hiểu được nỗi khổ của cha mẹ, đôi khi thậm chí hiểu lầm tấm lòng của cha mẹ. Nhưng dẫu thế nào, cha mẹ vẫn có thể hi sinh tất cả vì con.
Theo nhiều đánh giá của chuyên gia, câu thơ cuối cùng của Từ Hi còn đáng giá hơn 40.000 bài thơ mà Càn Long đã viết trong suốt cuộc đời. Hơn 40.000 bài thơ của Càn Long không có một câu kinh điển, cũng không được lưu truyền.
Ngoài ra, Từ Hy dường như đặc biệt chú ý đến việc mừng thọ, kể cả của mẹ và của chính bà. Vào thời điểm đại thọ lần thứ 60, đúng vào lúc chiến tranh Giáp Ngọ nỗ ra, Từ Hi vẫn cố gắng tổ chức cho bằng được đại lễ dành cho mình, tình nguyện nhanh chóng chấm dứt chiến tranh Thanh-Nhật, ký kết hiệp ước Mã Quan.
Nói đi cũng phải nói lại, tuy rằng trình độ văn hóa của Từ Hi không cao như trong dã sử, nhưng trong hậu cung nhà Thanh cũng có thể coi là người nổi bật.
Nguồn: Sohu, 163