Nó thuộc nhóm côn trùng khổng lồ. Cơ thể dẹt, hình lá, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình từ 7 – 8cm, có con lên đến 12cm. Cà cuống xuất hiện nhiều ở Nhật Bản, Hàn quốc, Trung quốc, và các nước Đông Nam Á. Nó được dùng làm thực phẩm, nhưng do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên ngày càng hiếm.
Bọ nước tấn công và ăn thịt rắn nước (Ảnh cắt từ video)
Những con bọ nước này là động vật săn mồi hung bạo, nó có thể tấn công cả vịt con cho đến rắn độc. Theo Charles Swart thuộc Đại học Trinity College ở Connecticut, cà cuống là thú săn mồi dạng rình mồi. Chúng sẽ tìm vị trí thuận lợi trên một cây thủy sinh, chúng sẽ bắt và làm thịt tất cả những gì bơi qua trước mặt.
Nghiên cứu gần đây cho thấy, cà cuống nằm trong nhóm bọ nước có tới 150 loài trải rộng khắp thế giới. Tại Nam Mỹ, những con bọ nước Lethocerus grandis và Lethocerus maximus có cơ thể dài hơn 10 cm.
GS. Shin-ya Ohba thuộc Đại học Nagasaki đã giành nhiều năm nghiên cứu về những con cà cuống này. Theo ông, chúng có hình thái rất đặc biệt. Ví dụ như những chiếc chân trước gợi nhớ hình ảnh cánh tay của chàng thủy thủ Popeye trong bộ phim hoạt hình ngày xưa.
Cà cuống (họ bọ nước) bắt là ăn thịt rùa. (Ảnh: Shin-ya Ohba)
Các nghiên cứu của Ohba chủ yếu tiến hành tại Nhật bản, nơi đây có bốn loài bản địa. Trong đó bao gồm cả Kirkaldyia deyrolli, con vật săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn trên các đồng lúa và vùng đất ướt. Các ghi chép về chúng đều cho thấy, lũ bọ nước này dường như không biết sợ. Năm 2011, Ohba đã chụp được tấm hình hiếm có khi một con bọ nước tấn công và ăn thịt một con rùa.
Bất chấp kích thước của mình, những con bọ nước này ngụy trang rất tốt trong môi trường sống. Tại đó, chúng rình mồi và có thể thở dưới nước nhờ một ống thở ở phía đuôi trong tư thế chổng ngược.
Một khi con mồi đi vào tầm, những con vật săn mồi này sẽ nhanh chóng tung cặp chân trước và bắt lấy con mồi, những chiếc chân còn lại sẽ giữ chặt lại. Bọ nước sẽ đâm vào con mồi với chiếc vòi sắc như dao, tiêm enzym và có thể cả hóa chất an thần vào trong con mồi.
Bọ nước bắt cá (Ảnh: Yasuda Mamoru)
Các nghiên cứu hiện nay vẫn chưa xác định rõ hợp chất mà bọ nước tiêm vào con mồi nhưng các nhà khoa học tin chắc rằng độc tố này rất mạnh.
Những con bọ nước khổng lồ có đặc tính sinh sản kỳ lạ trong nhóm côn trùng. Các con đực sẽ có nhiệm vụ tha trứng trên lưng và chăm sóc chúng. Ở một số loài côn trùng, con đực sẽ canh gác trứng, bảo vệ trứng khỏi kẻ săn mồi như kiến chẳng hạn. Trong khi số khác thì con cái sẽ gắn trứng lên lưng con đực và nó sẽ tha trứng đi cho đến khi trứng nở.
Theo Ohba, khi đến mùa sinh sản, những con cái có thể ăn trứng của những con khác để tìm bạn tình. Bằng cách tiêu diệt trứng của đối thủ, con cái có thể giành bạn tình của một con cái khác và đảm bảo nó sẽ chăm sóc số trứng của mình.
Khi những con bọ nước nở thành ấu trùng, thời gian có thể mất đến 60 ngày, chúng phải cứng cáp như những con trưởng thành. Ở một số loài, trứng nở vào mùa mà con mồi nhỏ không có nhiều khiến chúng phải săn cả những con mồi lớn. Cũng theo Ohba, những con ấu trùng bọ nước này có cặp chân trước cong giúp chúng bắt mồi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi còn nhỏ, bọ nước cũng có thể trở thành vật bị săn bởi cá lớn, vịt hay rùa.
Món cà cuống nướng ở Việt nam (Ảnh: gotrip)
Tuy rằng đặc tính có phần đáng sợ, bọ nước đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn và góp phần đảm bảo cân bằng sinh thái. Ô nhiễm nguồn nước có thể gây nguy hại đến bọ nước và những sinh vật ngoại lai như tôm hùm đất và ếch khổng lồ sẽ ăn thịt bọ nước.
Theo các nhà khoa học, chúng ta cần đảm bảo môi trường sạch, không bị xâm hại để bảo vệ loài vật này. Bằng cách bảo tồn bọ nước khổng lồ, chúng ta có thể bảo vệ cả hệ sinh thái.
Theo National geographic