Ca COVID-19 nặng có xu hướng tăng, nhiều địa phương lo lắng tiến độ tiêm vắc xin chậm

Lê Liên |

Theo thông tin từ Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng, đặc biệt, số bệnh nhân nặng phải thở oxy cũng tăng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhiều ca mắc COVID phải thở máy

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong tuần từ 31/7 đến 6/8/2022, số ca mắc mới COVID-19 đã vượt hơn 12.600 ca. Tính tới ngày 9/8, có 103 bệnh nhân đang thở oxy, trong đó có 88 ca thở oxy qua mặt nạ, 4 ca thở oxy dòng cao HFNC, 2 ca thở máy không xâm lấn và 9 ca thở máy xâm lấn. 

Tại một số bệnh viện ở Hà Nội, số ca mắc mới COVID-19 tập trung vào bệnh nhân cao tuổi, người có bệnh lý nền. Đáng lưu ý, những bệnh nhân này hầu hết là tái mắc và chưa tiêm mũi 4 vắc xin COVID-19.

Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội), mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện, có hôm cao điểm lên tới hơn 20 trường hợp. Theo bác sĩ Trần Ngọc Anh, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đống Đa), có trường hợp vào viện rồi mới biết mình bị mắc COVID-19. Một số người khi thấy đau họng, sốt, cứ nghĩ cảm cúm thông thường, vào viện khám và xét nghiệm mới phát hiện bị mắc COVID-19.

Tại TP HCM, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP, khảo sát 30 bệnh nhân COVID-19 nội trú và bệnh nhân đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM), cho thấy có đến 24 bệnh nhân nhiễm biến thể phụ BA.5 (chiếm 80%), tiếp đến là biến thể phụ BA.2 với 4 bệnh nhân (chiếm 14%).

Trước tình trạng COVID-19 đang có xu hướng quay trở lại, nhưng tình hình tiêm mũi nhắc lại vắc xin COVID-19 đang còn chậm. Đặc biệt là tỉ lệ tiêm cho trẻ em hiện đang còn thấp. Một số tỉnh thành lo ngại dịch COVID-19 sẽ tái phát với tình hình căng thẳng hơn.

Tại TP HCM, tính đến hết ngày 09/08/2022, toàn TP đã tiêm được 22.890.221 mũi (bao gồm 8.589.161 mũi 1; 7.654.505 mũi 2; 687.864 mũi bổ sung; 4.678.752 mũi nhắc lần 1; 1.279.939 mũi nhắc lần 2).

Trong ngày 09/08/2022, toàn TP đã tiêm được 27.389 mũi tiêm, bao gồm 6.154 mũi 1 (23%); 4.190 mũi 2 (15%); 79 mũi bổ sung (0,3%); 7.530 mũi nhắc lần 1 (27%); 9.436 mũi nhắc lần 2 (34%) tại 181 điểm tiêm. Trong đó, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm được 11.618 mũi (42%); trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi: đã tiêm được 7.161 mũi (26%); trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi: đã tiêm được 8.610 mũi (31%).

Ngày 1/8/2022, Sở Y tế TP HCM đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra công tác tiêm vắc xin cho trẻ em tại 5 quận huyện. Trong vòng một tuần triển khai thực hiện tháng cao điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 dành cho trẻ em từ 5 đến 18 tuổi, toàn TP tiêm được 82.042 mũi, tăng 1,45 lần so với tuần trước đó (56.538 mũi). Trung bình mỗi ngày tiêm khoảng 11.720 mũi, cao hơn 3.644 mũi so với trung bình mỗi ngày tuần trước đó là 8.076 mũi.

Theo Sở Y tế TP HCM, mặc dù số lượt tiêm có tăng so với trước đó nhưng vẫn còn thấp hơn tỷ lệ trung bình chung của cả nước. Cụ thể, sau 1 tuần triển khai đợt cao điểm, hiện nay tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1 tại TP đã đạt được 51,2% (trong khi cả nước là 71%), tỷ lệ tiêm mũi 2 ở độ tuổi này là 26,9% (cả nước là 39,9%), tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tại là 25,5% (cả nước là 38,1%).

Nhiều phụ huynh chủ quan

Nguyên nhân cho sự chậm trễ này, Sở Y tế cho biết nhiều quận, huyện có tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh còn thấp (dưới 50%), và một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm so với tỷ lệ đồng thuận tiêm chưa cao (dưới 80%). Đây là một trở ngại đáng quan tâm.

- Một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm thấp nhưng chưa thật sự nỗ lực triển khai trong tuần đầu của tháng cao điểm, chưa sẵn sàng triển khai điểm tiêm vắc xin ngay tại trường học nơi trẻ đang theo học (đa số các quận, huyện ghép điểm tiêm trẻ em vào các điểm tiêm cộng đồng).

- Công tác truyền thông và thông tin đến phụ huynh về lợi ích của việc tiêm ngừa cho trẻ em, và nhất là hoạt động hướng dẫn phụ huynh cho trẻ đến điểm tiêm còn thấp.

"Khảo sát nhanh 72 phụ huynh có con từ 5 đến dưới 18 tuổi đang theo học tại các trường tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức (55 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và 17 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi) về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em cho thấy có đến 30/55 (54,5%) trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19; trong 30 trẻ chưa tiêm vắc xin, có 02 trẻ vẫn chưa nhận được tin nhắn của giáo viên, nhà trường nhắc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo; 10 trẻ vẫn chưa được nhà trường liên hệ hỏi lý do chưa tiêm và vận động đưa trẻ đi tiêm. Ngoài ra, vẫn còn 12/72 (16,7%) trường không gửi tin nhắn thông báo lịch và điểm tiêm tiêm vắc xin cho phụ huynh; 22/72 (30,6%) trường chưa khảo sát lại tiền sử tiêm vắc xin của trẻ", Sở Y tế TP HCM thông tin.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP HCM, yêu cầu ngành y tế TP cùng các địa phương cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để đẩy mạnh truyền thông, vận động, thuyết phục phụ huynh đồng thuận cho trẻ tiêm vắc xin.

Ca COVID-19 nặng có xu hướng tăng, nhiều địa phương lo lắng tiến độ tiêm vắc xin chậm - Ảnh 1.

Đẩy mạnh việc tiêm vắc xin COVID-19. (Ảnh minh họa)

Tương tự, tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã ra công điện về việc đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Cụ thể, trước tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến mới phức tạp, gia tăng số ca mắc bệnh với sự xuất hiện của nhiều ca mắc biến chủng mới BA.4, BA.5. Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.

Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã kiên quyết, kiên trì và kiên định đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh để phát triển kinh tế, xã hội. Phòng bệnh từ sớm, từ xa và từ cơ sở, mục tiêu dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh bùng phát trở lại trên địa bàn.

Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8 năm 2022, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại